So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Đẩy mạnh Ứng dụng công nghệ sinh học góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 04/3/2005 và Kết luận số 06-KL/TW, ngày 01/9/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 02/8/2013 của Tỉnh ủy Đắk Nông “Về phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện và đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

   Giai đoạn 2005 - 2020, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã tranh thủ đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, chủ động nâng cấp và hiện đại hóa các trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật tại các trung tâm, đơn vị trực thuộc để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển, cụ thể đã triển khai 96 nhiệm vụ khoahọc và công nghệ(KH&CN), gồm 07 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh; 14 đề tài cấp ngành, 32 dự án được ứng dụng và phổ biến tại các địa phương, 43 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được nghiên cứu và ứng dụng ngay tại đơn vị, doanh nghiệp. Các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được tập trung và chú trọng đi sâu vào các lĩnh vực như: ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe Nhân dân…trong đó:

   Ngành Y tế chú trọng nghiên cứu, đầu tư, nâng cấp các thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Công tác truyền thông y tế cơ sở, ứng dụng kỹ thuật ngoại khoa trong khám chữa bệnh, áp dụng phác đồ điều trị phù hợp với thực tế tại các địa phương, phát triển ngành dược và y học cổ truyền...triển khai mô hình thử nghiệm việc nuôi cấy mô và trồng thử các loại cây thuốc nam tại các địa phương trong tỉnh.

   Nhân rộng mô hình sử dụng Nấm xanh Metashizum Anisopliac phòng trừ rầy nâu hại lúa, mô hình lai tạo, nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô đối với các loại cây ăn trái (Bơ cao sản, mắc ca, khoai lang…); mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh lúa lai và ngô lai cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; mô hình tái canh cà phê; ghép chồi, cành đối với cây ca cao cho năng suất vượt trội; các dự án khởi nghiệp của thanh niên trong việc thử nghiệm trồng các loại rau, màu và chăn nuôi gia súc… tạo tiền đề cho việc giải quyết khâu tạo giống đối với các loại cây đặc sản, chủ lực của tỉnh đảm bảo về số lượng và chất lượng cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, mũi nhọn kinh tế của tỉnh.

Cán bộ Trung tâm Thông tin, Kỹ thuật và Ứng dụng KHCN Đắk Nông hướng dẫn người dân phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp thành phân bón hữu cơ vi sinh.

 

   Về công tác ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải, nước thải góp phần bảo vệ môi trường đã được các đơn vị thực hiện tốt như: Công nghệ xử lý bùn đỏ thành các sản phẩm hữu ích khác góp phần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến theo hướng bền vững và thực hiện việc trồng cây xanh để hoàn thổ sau khai thác Bauxit; giải pháp sử dụng men vi sinh BioFix EM trong xử lý nước thải sinh hoạt, rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh; sử dụng chế phẩm sinh học Bio Acti và Bio Azo trong phân hủy và xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp và mùn bã hữu cơ thành phân bón hữu cơ vi sinh; công nghệ sử dụng chế phẩm EMIC - Bộ vi sinh vật hữu hiệu trong xử lý đất trồng chai cứng, bạc màu do lạm dụng phân bón hóa học... với những tiến bộ của công nghệ sinh học được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng trong quá trình sản xuất - kinh doanh đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường theo hướng bền vững.

    Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã áp dụng hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học được Hội đồng khoa học địa phương xét duyệt, công nhận vào thực tiễn công tác, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên cũng được các cấp ủy đảng quan tâm đúng mức, trình độ và năng lực công tác ngày càng được nâng lên nhằm đáp ứng ngày càng cao yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

   Trong thời gian tới, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

   + Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về vai trò và động lực của KH&CN, xác định KH&CN, công nghệ sinh học là nhiệm vụ trọng tâm gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

   + Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của KH&CN, công nghệ sinh học phục vụ đời sống trong điều kiện phát triển của nền công nghiệp lần thứ tư theo tinh thần Nghị quyết 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

   + Đầu tư cho nghiên cứu, cung cấp cơ sở khoa học về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, văn hóa, xã hội phục vụ cho công tác tham mưu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ khai thác và chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.

   + Chú trọng quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ KH&CN để đủ sức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu KH&CN tiên tiến, hiện đại phù hợp với thực tiễn của địa phương.

   + Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho KH&CN, công nghệ sinh học, khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong doanh nghiệp theo quy định, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

 

Nguyễn Văn Kỳ