So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống hồ tiêu (Piper nigrum L.) sạch bệnh”

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Ngày 22/5, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống hồ tiêu (Piper nigrum L.) sạch bệnh”. Tham dự hội thảo có gần 20 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các Viện, cơ quan chuyên môn và người dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh hội thảo

   Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, Đắk Nông là tỉnh có điều kiện tự nhiên phù hợp nhất để phát triển cây hồ tiêu và đem lại lợi ích kinh tế cao cho người nông dân, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, tổng diện tích hồ tiêu toàn tỉnh tính đến năm 2019 là 32.972 ha, sản lượng đạt 63.106 tấn. các giống tiêu được người dân sử dụng chủ yếu là tiêu Vĩnh Linh, tiêu Lộc Ninh, tiêu Ấn Độ, tiêu Sẻ, tiêu Phú Quốc, … Nhưng chiếm đa số là tiêu Vĩnh Linh và tiêu Sẻ vì khá phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh, cho năng suất cao, ít nhiễm bệnh. Nguồn giống chủ yếu do các hộ dân tự nhân giống, không thực hiện đúng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT nên khó kiểm soát, dẫn đến chất lượng giống không đảm bảo. Một số hộ nông dân mua giống tại các tỉnh khác như Đồng Nai, Bình Phước, Đắk Lắk, … nhưng giá cây giống khá cao. Đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống hồ tiêu (Piper nigrum L.) sạch bệnh” do Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên chủ trì, Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quản chủ quản, thực hiện từ tháng 12/2017 - 8/2020 với mục tiêu là thu thập, lựa chọn 1-2 dòng hồ tiêu có khả năng chống chịu bệnh chết nhanh, chết chậm; hoàn thiện và ứng dụng quy trình nhân giống hồ tiêu sạch bệnh bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào; sản xuất và chuyển giao 10.000 cây tiêu giống bằng phương pháp nuôi cấy mô áp dụng quy trình công nghệ đã hoàn thiện cho một số hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Giống cây hồ tiêu sạch bệnh

 

   Thông qua hội thảo, các đại biểu được nghe các báo cáo tham luận về thực trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ và đề xuất giải pháp phát triển hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông; đánh giá khả năng chịu nấm Phytophthora capsici và tuyến trùng Meloidogyne incognita của một số vật liệu giống hồ tiêu thu thập bằng phương pháp lây bệnh nhân tạo trong điều kiện nhà lưới; cũng tại hội thảo, chủ nhiệm đề tài đã giới thiệu về quy trình nhân giống cây hồ tiêu sạch bệnh bằng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào.

   Tham dự hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, đảm bảo tính khả thi, áp dụng vào thực tiễn địa phương. Dự kiến vào tháng 8, hội đồng sẽ thực hiện nghiệm thu đề tài và chuyển giao kết quả nghiên cứu cho địa phương.

NM