So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Điều tra, đánh giá hiện trạng văn hóa thổ cẩm truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông và những giải pháp bảo tồn và phát triển

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   I. Đặt vấn đề

   Thổ cẩm là một trong những nét văn hóa tạo nên tính đặc trưng của từng tộc người ở Đắk Nông. Thổ cẩm không chỉ được dùng để làm trang phục, mà còn là sản phẩm văn hóa tộc người dùng làm kỷ vật trong hôn nhân, tang lễ, trong sinh hoạt thường ngày và trong sinh hoạt văn hóa truyền thống. Nhìn vào hoa văn thổ cẩm sẽ biết được văn hóa của tộc người, biết được quan điểm sống của tộc người, biết được quan niệm về thế giới quan và vũ trụ quan của tộc người đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển hiện nay, quá trình giao lưu văn hóa giữa các tộc người đang diễn ra mạnh mẽ; đặc biệt là sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghiệp hiện đại như hiện nay, mọi sản phẩm được làm bằng công nghiệp, kể cả vải và trang phục. Chính vì thế, văn hóa thổ cẩm truyền thống đang dần bị mai một. Với xu hướng đó, tương lai không xa, văn hóa thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở Đắk Nông, cụ thể là ở các tộc người thiểu số như M’nông, Mạ, Ê đê, Mông, Dao… sẽ bị giảm dần và có nguy cơ mất hẳn nếu không có những biện pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của loại hình văn hóa này một cách hiệu quả và thiết thực. Do đó, cần thiết phải có những nghiên cứu, điều tra mang tính hệ thống, toàn diện và tổng thể để bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa thổ cẩm tiêu biểu này nhằm tiếp tục giữ vững bản sắc văn hóa tộc người và từng bước tạo nên biểu tượng văn hóa của cộng đồng ở tỉnh Đắk Nông.

   II. Mục tiêu, nội dung và phương pháp nghiên cứu

   1. Mục tiêu nghiên cứu

   - Tìm hiểu thực trạng văn hóa thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở Đắk Nông (cụ thể là 5 dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê, Mông, Dao) về các khía cạnh nguồn nhân lực, nguyên vật liệu, công cụ, nghệ nhân, thợ thủ công, hoa văn, sản phẩm để từ đó lựa chọn sự độc đáo của thổ cẩm làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

   - Xây dựng phương án phát triển văn hóa thổ cẩm của các dân tộc thiểu số Đắk Nông bằng cách thay đổi công cụ, kỹ thuật, sản phẩm và tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm mới.

   - Xây dựng các giải pháp bảo tồn và phát triển văn hóa thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở Đắk Nông.

   2. Nội dung nghiên cứu

   - Cơ sở lý luận, tổng quan về vùng đất và các tộc người thiểu số ở Đắk Nông.

   - Nghề dệt thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở Đắk Nông hiện nay.

   - Xác định vai trò, tiềm năng và bài học kinh nghiệm cho việc phát triển nghề dệt thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở tỉnh Đắk Nông.

   - Thử nghiệm của nhóm nghiên cứu trong việc cải tiến nghề dệt thổ cầm, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm ở tỉnh Đắk Nông.

   3. Phương pháp nghiên cứu

   Đây là loại nghiên cứu liên ngành khoa học xã hội gồm: nhân học, xã hội học, nghệ thuật học… nên trong quá trình nghiên cứu cần phải điền dã tại cộng đồng các dân tộc thiểu số, thông qua đó thực hiện các phương pháp thu thập dữ liệu thông tin định lượng và định tính. Qua đó, lấy số liệu đại trà liên quan đến nghề dệt của các tộc người thiểu số ở Đắk Nông, khảo sát thị trường tiêu thụ sản phẩm mới.Điều tra, phỏng vấn bằng bảng hỏi tại cộng đồng, khảo sát theo hộ gia đình và sưu tầm hiện vật, từ đó làm tư liệu phân tích và làm cơ sở cho việc thiết kế các sản phẩm thổ cẩm mới. Đồng thời, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, thảo luận nhóm. Sau đó, dữ liệu được xử lý và dùng để phân tích trực tiếp cho thực trạng hoạt động nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc thiểu số hiện nay ở tỉnh Đắk Nông.

   III. Kết quả và thảo luận

   1. Nghề dệt thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở Đắk Nông hiện nay

   Sản phẩm thổ cẩm ở Đắk Nông đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của đồng bào các dân tộc ở Đắk Nông, nhìn vào hoa văn thổ cẩm có thể nhận diện được trang phục của các dân tộc. Hoa văn thổ cẩm có ý nghĩa, có giá trị sâu sắc về bản sắc văn hoá của mỗi tộc người.

   Hoa văn thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở Đắk Nông có nhiều điểm tương đồng như: các mô típ hoa văn chủ yếu tập trung vào các loại hoa văn: hoa văn động vật, hoa văn thực vật, hoa văn đồ vật, hoa văn tự nhiên, …; hoa văn trang trí trên vải dệt đều phản ánh hiện thực trong cuộc sống, gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày, thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa con người với môi trường tự nhiên. Trong các dân tộc mà chúng tôi khảo sát, thì các dân tộc thiểu số tại chỗ như M’nông, Mạ và Ê đê hiện vẫn còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hoá của nghề dệt. Thổ cẩm của các dân tộc này được dệt thủ công tỉ mỉ và tinh xảo, mang giá trị tinh thần đầy tính biểu tượng gắn với nhân sinh quan và vũ trụ quan của từng dân tộc.

   Cách bố trí màu sắc, hoa văn trên trang phục đã tái hiện lại không gian sinh hoạt sinh động trong cuộc sống. Hình ảnh những người phụ nữ sau thời gian canh tác trên nương trên rẫy miệt mài bên khung dệt đã trở thành nét văn hoá quen thuộc của cư dân nơi đây. Thổ cẩm thể hiện bàn tay khéo léo của người phụ nữ và mang đậm giá trị bản sắc văn hoá, chính vì vậy, việc bảo tồn và giữ gìn những nét đặc trưng văn hoá của các dân tộc này cần sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn từ các ngành, các cấp.

   Hoa văn trên trang phục của các dân tộc thiểu số di cư đến Đắk Nông như người Dao, Mông ở Đắk Nông hiện nay đã phần nào phai nhạt. Hiện nay, những dân tộc này không còn duy trì và phát triển được nghề dệt thổ cẩm của họ, đặc biệt là người Mông. Người Mông ở Đắk Nông sử dụng các loại trang phục công nghiệp may sẵn. Họ chỉ thêu hoa văn chữ thập trên trang phục, với các mẫu hoa văn hiện đại, mẫu hoa văn truyền thống khó hơn đã dần bị mất đi và thay vào đó là sản phẩm thêu công nghiệp. Đối với những người biết thêu hiện nay trong cộng đồng người Mông ở Đắk Nông, từ người già, người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ… họ chỉ rành nghề, nhưng hỏi về ý nghĩa màu sắc, ý nghĩa hoa văn gần như mọi người đều không biết, không nhớ. Điều này cũng đặt ra vấn đề về bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hoá nghệ thuật của hoa văn thổ cẩm Mông, thiếu người để trao truyền, phát triển.

   Trong cộng đồng người Dao, nghề dệt vẫn còn tồn tại ở nhóm Dao Thanh Y bên cạnh nghề thêu hoa văn của họ. Tuy không phát triển, nhưng sản phẩm làm ra cũng đa dạng, dùng để thiết kế trên các bộ trang phục truyền thống của cộng đồng. Đặc biệt là hoa văn trên sản phẩm thổ cẩm của hai nhóm người Dao ở Đắk Nông rất phong phú, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của dân tộc này; tạo nên tính đặc trưng trong đa dạng văn hóa thổ cẩm ở khu vực Đắk Nông hiện nay.

   Qua quá trình khảo sát, tiếp xúc với các nghệ nhân, chúng tôi nhận thấy, loại hình văn hoá trên thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở Đắk Nông chỉ được lưu truyền bằng phương thức truyền miệng, trong trí nhớ của những nghệ nhân nên nhiều loại hoa văn truyền thống bị mai một dần; nhiều nghệ nhân dệt các loại hoa văn theo trí nhớ, được truyền lại như thế nào thì biết như vậy, còn ý nghĩa của nhiều loại hoa văn như thế nào, tại sao sử dụng màu sắc như vậy thì không biết và không nhớ rõ. Bên cạnh đó, sự pha trộn văn hoá giữa các dân tộc cũng làm cho hoa văn truyền thống bị mờ nhạt, mất đi những nét đặc sắc riêng. Thế hệ trẻ ít người chịu theo nghề. Chính vì vậy, việc bảo tồn, giữ gìn những giá trị bản sắc văn hoá của hoa văn thổ cẩm các dân tộc ở Đắk Nông là vấn đề rất cấp thiết.

   Sản phẩm trang phục của các dân tộc thiểu số ở Đắk Nông phản ánh trình độ khá cao qua kỹ thuật sử dụng màu sắc, kỹ thuật dệt, thêu hoa để tạo hình trang phục. Qua quá trình hình thành và phát triển, thực trạng nghề dệt và thêu hoa văn thổ cẩm đã có nhiều thăng trầm. Thị trường tiêu thụ của sản phẩm chủ yếu diễn ra trong cộng đồng tộc người, ít đưa ra bên ngoài, do đó không phát triển được nghề nên đang có xu hướng mai một và có nhiều biến đổi.

   Hiện nay, cùng với quá trình sống cộng cư và giao lưu văn hoá với các tộc người, văn hoá thổ cẩm cũng đã có sự tiếp thu, ảnh hưởng, song song đó nhịp sống mới của thời đại khoa học công nghiệp đã và đang tác động vào đời sống của đồng bào các dân tộc ở tỉnh Đắk Nông.

Thổ cẩm dân tộc Ê đê - Ảnh: Trần Lập

   2. Vai trò, tiềm năng và bài học kinh nghiệm cho việc phát triển nghề dệt thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở tỉnh Đắk Nông

   Nghề dệt thổ cẩm có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của các cộng đồng tộc người thiểu số ở Đắk Nông kể cả trong truyền thống lẫn hiện tại. Mặc dù hiện nay, nghề dệt không còn nhiều hộ duy trì hoạt động nghề, nhưng vai trò của nó trong đời sống cộng đồng vẫn được thể hiện rất rõ nét. Đó là sự cố kết cộng đồng, sự duy trì và biểu hiện bản sắc văn hóa truyền thống của tộc người, là yếu tố kinh tế của nghề được khẳng định qua những đóng góp vào nguồn thu nhập của gia đình…

   Tuy hiện nay, nghề dệt không còn thu hút nhiều gia đình trong cộng đồng tham gia, nhưng tiềm năng phát triển của nghề vẫn rất khả quan. Điều này được biểu hiện rõ qua các yếu tố như nguồn nhân lực dồi dào, sự tin tưởng vào tương lai phát triển nghề ở cộng đồng, tay nghề của người thợ luôn ở mức khá giỏi và đặc biệt là những hộ đã ngưng hoạt động nghề, nhưng vẫn luôn muốn quay trở lại làm nghề và khao khát phát triển nghề truyền thống của tộc người.

   Hơn nữa, trong suốt gần 20 năm qua, chính quyền tỉnh Đắk Nông cùng các cơ quan đoàn thể luôn quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm này. Họ đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm đào tạo nâng cao tay nghề cho người thợ trong cộng đồng. Nhờ đó, đội ngũ thợ có tay nghề khá giỏi luôn được duy trì và chờ có chính sách hỗ trợ thích hợp để phát triển nghề. Đó chính là tiềm năng quan trọng để chính quyền tiếp tục xem xét xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm phát triển nghề này trong tương lai cho các tộc người thiểu số ở Đắk Nông.

   3. Các giải pháp bảo tồn và phát triển văn hóa thổ cẩm truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông

   + Nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về giá trị văn hóa thổ cẩm mà họ đang nắm giữ để từ đó kết hợp với các cấp chính quyền, đoàn thể xây dựng các biện pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị đặc trưng của nghề dệt thổ cẩm nói riêng và văn hóa thổ cẩm nói chung trong cộng đồng.

   + Xây dựng không gian văn hóa thổ cẩm đặc trưng của ĐắkNông để bảo tồn và phát triển.Mục đích của giải pháp này là tạo ra không gian văn hóa cộng đồng, nơi chứa đựng các giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các tộc người thiểu số ở Đắk Nông, trong đó có giá trị văn hóa thổ cẩm. Không gian văn hóa này có thể được xây dựng ngay tại cộng đồng như là một “bảo tàng sống” tại địa phương, hoặc dưới dạng nhà văn hóa, hay nhà bảo tàng… tùy vào tình hình chủ trương của tỉnh.

   + Quảng bá sản phẩm thổ cẩm theo hướng công nghiệp văn hóanhằm phát huy văn hóa thổ cẩm, đặc biệt là phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm này theo hướng thương mại hóa và xem nghề dệt thổ cẩm là một trong những hoạt động sinh kế của cộng đồng, cần phải phát triển nó để đem đến nguồn thu nhập gia đình và cộng đồng.

   + Xây dựng thổ cẩm thành sản phẩm đặc thù của địa phương nhằm đưa sản phẩm thổ cẩm Đắk Nông thành sản phẩm đặc thù của địa phương, tạo nên nét đặc trưng, độc đáo của sản phẩm qua đó vừa bảo tồn và phát huy được giá trị truyền thống trên sản phẩm thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở tỉnh Đắk Nông.

     IV. Kết luận

   Để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc thiểu số ở Đắk Nông cần phải có sự cải tiến sản phẩm, cải tiến kỹ thuật, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhưng phải đảm bảo lưu giữ được giá trị cốt lõi văn hóa thổ cẩm của các tộc người thiểu số ở Đắk Nông. Chính vì vậy, công tác sưu tầm và thiết kế các mẫu hoa văn thổ cẩm đặc trưng ở Đắk Nông được tiến hành ở các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê, Dao và Mông. Sau đó, các mẫu hoa văn này được ứng dụng để thiết kế thành những bộ sản phẩm thổ cẩm mang tính hiện đại hơn. Bên cạnh đó, đề tài còn hướng đến việc thay đổi công cụ, thay đổi kỹ thuật dệt nhằm rút ngắn thời gian dệt ra một sản phẩm thổ cẩm, giảm bớt công sức của người dệt để hướng đến việc giảm giá thành sản phẩm, nhưng vẫn giữ được hoa văn truyền thống của từng tộc người trên sản phẩm thổ cẩm. Sau đó, tiến hành mời nghệ nhân và nhà thiết kế sản phẩm giảng dạy, chuyển giao công nghệ mới cho cộng đồng địa phương để họ tiếp tục phát triển kỹ thuật và công cụ mới theo hướng có lợi nhất cho việc phát triển nghề. Đề tài còn tiến hành khảo sát thị trường để tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng và những ý kiến đánh giá của người tiêu dùng về bộ sản phẩm mới của đề tài nhằm hướng đến sự cải tiến hoàn thiện hơn trong tương lai dành cho cộng đồng.

   Tài liệu tham khảo:

  1. Trần Văn Bính (chủ biên), (2004), Văn hóa các dân tộc Tây Nguyên thực trạng và những vấn đề đặt ra, NXB Chính trị quốc gia.
  2. Linh Nga NiêK Đam (2014), Nghề thủ công truyền thống của các dân tộcTây Nguyên, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  3. Đào Nguyên (1998), “Lộ trình nghề thổ cẩm Tây Nguyên: di sản văn hóa các dân tộc thiểu số”, Tạp chí Văn hoá các dân tộc, số 3.
  4.  Nhiều tác giả (2012), Trang phục cổ truyền và hoa văn trên vải các dân tộc Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội
  5.  Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (2010), Bảo tồn,làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hộinhập, NXB Khoa học xã hội.
  6.  Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân Dân tỉnh Đắk Nông (2011), Địa chí Đắk Nông, NXB Từ điển Bách khoa.
  7. Cục thống kê tỉnh Đắk Nông (2017), Niên giám thống kê 2016, NXB. Thanh Niên, Đắk Nông
  8. http://baodaknong.org.vn
  9. http://dantocmiennui.vn

TS. Tôn Thị Ngọc Hạnh -  TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông