So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông – Chặng đường 14 năm cho danh hiệu cao quý

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Tóm tắt: Nửa phần phía bắc của tỉnh Đắk Nông là khu vực tập trung mật độ cao hàng chục điểm di sản địa chất có giá trị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, thuộc 9/10 kiểu di sản địa chất theo phân loại của UNESCO và của Bộ Tài nguyên & Môi trường, gồm: kiểu A - Cổ sinh;kiểu B - Địa mạo; kiểu C - Cổ môi trường;kiểu D -Đákiểu E - Địa tầngkiểu F - Khoáng vật,khoáng sản;kiểu I - Kiến tạokiểu K - Vũ trụ và kiểu L - Lục địa, đại dương. Ngoài ra, khu vực này còn có các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia có tính đa dạng sinh học cao, đồng thời cũng là nơi lưu giữ phong phú các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, khiến cho khu vực này trở thành một quần thể di sản thiên nhiên và văn hóa có giá trị nổi bật toàn cầu. Ý tưởng điều tra nghiên cứu di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất cho khu vực này được các nhà địa chất khởi xướng từ năm 2006, nay đã trở thành hiện thực với danh hiệu “Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông” vừa được UNESCO công nhậnngày 07/7/2020. Danh hiệu cao quý này là thành quả nghiên cứu của nhiều đề tài KHCN, là sự ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến không ngừng nghỉ suốt nhiều năm qua của các nhà khoa học đa ngành, các cấp quản lý thuộc các lĩnh vực, các bộ ngành khác nhau và nỗ lựccủa lãnh đạo chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Đắk Nông. Bài viết này giới thiệu khái quát quá trình 14 năm xây dựng công viên địa chất, các giá trị di sản nổi bật có được từ các công trình nghiên cứu khoa học đã làm nên danh hiệu “Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông”.

   1. Mở đầu

   Ngày 07/7/2020, Ủy ban Chương trình và Quan hệ Quốc tế của Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 209 đã thông qua Quyết định của Hội đồng Công viên Địa chất Toàn cầu công nhận Công viên Địa chấtĐắk Nông là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông (viết tắt là CVĐC TC UNESCO Đắk Nông, tên tiếng Anh: Dak Nong UNESCO Global Geopark - Dak Nong UGGp). Đây là CVĐCTC UNESCOthứ ba củaViệt Nam, sau CVĐC TC UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) và CVĐC TC UNESCONon nước Cao Bằng(tỉnh Cao Bằng). Cho đến trước kỳ họp xét công nhận này, trên thế giới chỉ có tổng cộng 147 CVĐC TCUNESCO ở 41 quốc gia. Đến nay, thế giới đã có 161 CVĐC TC UNESCO, thuộc 44 quốc gia (unesco.org/new/).

   Năm 2006, ý tưởng thành lập CVĐCở Đắk Nông được nhen nhóm bởi các nhà địa chất thông qua việc đề xuất và triển khai thực hiện đề tài “Điều tra nghiên cứu di sản địa chất (DSĐC)để xây dựng công viên địa chất (CVĐC) và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông, Việt Nam” (2007-2008) do UNESCO tài trợ (L.T.Phúc, 2008). Trong quá trình thực hiện đề tài này, lần đầu tiên hang động núi lửaở Việt Nam đã được phát hiện và xác lập. Phát hiện này rất quan trọng, là tâm điểm mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới và phát hiện mới liên quan, tạo nên giá trị nổi bật toàn cầu của hệ thống hang động núi lửa độc đáo này.

   Năm 2014, Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các sở ban ngành phối hợp khảo sát,quy hoạch hệ thống hang động núi lửa Krông Nô, khởi động chương trình và thực hiện lộ trình xây dựng CVĐC. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng CVĐC (9/2015), Ban Quản lý CVĐC Núi lửa Krông Nô (02/2016) - tiền thân của Ban Quản lý CVĐC TC UNESCO Đắk Nông hiện nay; phê duyệt triển khai đề tài KHCN “Nghiên cứu, điều tra đánh giá DSĐC, xây dựng CVĐC khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” (7/2016-7/2018) để xây dựng hồ sơ CVĐCtrình UNESCO thẩm định(L.T.Phúc, 2018).

   Mười bốn năm qua( 2007 - 2020), với sự hợp tác của các bộ ngành/cơ quan liên quan, trong đó có Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bảo tàng Địa chất Việt Nam (Bảo tàng ĐCVN) thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam(Tổng cục ĐCKSVN), Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Bảo tàng TNVN) thuộcViện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam(Viện HL KHCN VN); Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Viện KHĐCKS) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường(Bộ TNMT) và đặc biệtlà UBND tỉnh Đắk Nông đã quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt các sở ban ngành phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế, tham giathực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan của Tỉnh và của Nhà nước, giúp Tỉnh có đượchồ sơ CVĐCvà trình lên UNESCOvào tháng 11/2018. Đây là kết quả tích hợp của nhiều công trình nghiên cứu từ 2007- 2018,với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về các lĩnh vực liên quanthuộc nhiều cơ quan nghiên cứu khác nhau(L.T.Phúc, 2007,2017,2018; Tachihara, 2018), cùng vớisự hợp tác chặt chẽ của các cán bộ và chính quyền địa phương các cấp. Các kết quả nghiên cứu liên quan về DSĐC và di sản phi địa chất sẽ tiếp tục được công bố, nhằmnâng cao vị thế khoa học và thu hút cộng đồng quốc tế đến với CVĐC TC UNESCO Đắk Nông.

   2. Các DSĐC và di sản phi địa chất làm nên danh hiệu CVĐC TC UNESCO Đắk Nông

   Theo UNECO, tính đa dạng địa chất và giá trị của DSĐC là yếu tố cốt lõi, có tính quyết định để làm nên danh hiệu CVĐC TC UNESCO, bên cạnh đó không thể thiếu các yếu tố về di sản phi địa chất, bao gồm: đa dạng sinh học (ĐDSH) và di sản văn hóa (DSVH).

   2.1. Tính đa dạng về địa chất

   Lịch sử phát triển địa chất khu vực nghiên cứu được chia thành ba giai đoạn có bối cảnh địa chất khác nhau. Mỗi bối cảnh địa chất đều sản sinh ra các thành tạo địa chất khác nhau, có các kiểu DSĐC đặc trưng và phát triển trên đó là các kiểu rừng/thảm thực vật có tính ĐDSH đặc trưng khác nhau.

   - Giai đoạn 1: Bối cảnh Bể rìa thụ động (Jura sớm-giữa, khoảng 200-160 triệu năm) - thành tạo các trầm tích lục nguyên với đầy đủ 2 pha của một chu kỳ trầm tích biển (biển tiến → biển thoái) → đầm hồ lục địa. DSĐC tiêu biểu liên quan là quần thể các điểm hóa thạch Cúc đá ở xã Đắk Wil và xã Ea Pô (huyện Cư Jut) còn bảo tồn tốt, to đẹp nhất Việt Nam, có hóa thạch nhuyễn thể của đầm hồ nước ngọt (N.Đ.Thắng, 1999; T.Tính, 1997; T.V.Trị, 2009).

   - Giai đoạn 2: Tiếp theo có bối cảnh Rìa lục địa tích cực (Jura muộn - Creta, khoảng 160-65 triệu năm), thành tạo các đá:granitoit thuộc phức hệ Định Quán và Đèo Cả,liên quan tới hút chìm của mảng Thái Bình Dương xuống dưới mảng Âu Á. Các đá granit phức hệ Cà Náliên quan tới căng giãn (T.V.Trị, 2009), tạo nên “nóc nhà” của tỉnh Đắk Nông với các đỉnh cao >1.500m. Ngoài các cảnh quan địa mạo, các đỉnh núi cao, các thác nước nhiều tầng, trong bối cảnh này còn hình thành các DSĐC kiểu D- Đá (granit), kiểu F- Khoáng vật, khoáng sản (thạch anh tinh thể, quặng thiếc, v.v.).

   - Giai đoạn 3: có Bối cảnh san bằng và hoạt động phun trào basalt khuếch tán lục địa(Paleogene - Đệ tứ; khoảng 65 - 0,2 triệu năm) - hình thành các bề mặt san bằng và lớp phủ basalt trên diện rộng ở Đắk Nông nói riêng và nam Tây Nguyên nói chung (T.Tính, 1997; N.Đ.Thắng, 1999; T.V.Trị, 2009), hình thành các DSĐC kiểu B - Địa mạo, phụ kiểu B1 (cảnh quan miệng núi lửa, thác nước trên đá basalt, v.v) và phụ kiểu B2 (hang động núi lửa) cùng các DSĐC độc đáo liên quan khác.  

   2.2. Di sản địa chất 

   Kết quả nghiên cứu khoa học đã xác lập và xây dựng hồ sơ khoa học cho 55 DSĐC tiêu biểu, thuộc 9/10 kiểu DSĐC theo phân loại UNESCOcũng như của Bộ TN&MT, bao gồm: DSĐC Kiểu A- Cổ sinh có 2cụm điểm hóa thạch Cúc đá và Khuôn câytrong đá basalt; Kiểu B- Địa mạo có 41 điểm, gồm 20 hang động núi lửa, 5 miệng núi lửa, 6 thác nước, 10 cảnh quan địa hình; Kiểu C- Cổ môi trường, có 2 điểm pyrit trong trầm tích;Kiểu D- Đá, có 2 điểm đá basalt cột và bom núi lửa; Kiểu E- Địa tầng, có 2 điểm ranh giới địa tầng;Kiểu F- Khoáng vật khoáng sản, có 3 điểm: antimonit, opal-chalcedon, suối khoáng CO2;Kiểu I- Kiến tạo,có trong phần lớn các điểm DSĐC của CVĐC;Kiểu K- Vũ trụ, có 1 điểm tektite;Kiểu L- Lục địa,đại dương, có Bể rìa lục địa thụ động J1-2, Rìa lục địa tích cựcJ3 - K và phun trào basalt Neogen - Đệ tứ (L.T.Phúc, 2018; 2020).

   Trên cơ sở so sánh tính độc đáo với các DSĐC ở các CVĐC toàn cầu trong nước và quốc tế,kết quảđánh giá xếp hạng theo tiêu chí UNESCOthì nửa phía bắc của tỉnh Đắk Nông đã có tới 7DSĐC đạt cấp quốc tế, 42 DSĐC đạt cấp quốc giavà6 DSĐC cấp địa phương(L.T.Phúc, 2018). Hầu hết trong đólà các di sản hỗn hợp của nhiều kiểu di sản, tạo nên quần thể di sản phong phú và đa dạng. Nếu coi cáchồ bán tự nhiên ngoạn mục (do con người đắp đập giữ nướclàm hồ thủy điện, thủy lợi - một dạng khai thác tài nguyên địa mạo) là DSĐC kiểu H- Kinh tế địa chất thì CVĐC Đắk Nông có đầy đủ cả 10/10 kiểu DSĐC. Số lượng và chất lượng các điểm DSĐC được xác lập đã vượt mức yêu cầu về DSĐC trong hồ sơ khoa học CVĐC toàn cầu của UNESCO, trong đó các DSĐC có giá trị nổi bật, tạo nên các điểm nhấn cho CVĐC Đắk Nông thuộc 3 kiểu (A, B, D), bao gồm:

    - DSĐC kiểu A- Cổ sinh, tiêu biểu có hóa thạch Cúc đá và Hai mảnh vỏ ở xã Đắk Wil và Ea Pô, huyện Cư Jut. Cúc đá là một loài ốc sống ở môi trường biển nông thềm lục địa kỷ Jura, khi chết đi, phần thân mềm bên trong vỏ ốc bị phân hủy, được lấp đầy bởi cát bột sét và hóa thạch trong quá trình trầm tích thành đá (Hình 1). Hóa thạch Cúc đá ở đây có kích thước khá lớn (nhiều khi>60cm), được bảo tồn khá tốt, có giá trị trưng bày cao,nếu được bảo tồn và trưng bày tại chỗ sẽ là điểm đến, thu hút du khách. Một dạng hóa thạch độc đáo khác là khuôn cây trong đá basalt,đã được tìm thấytrong các hang núi lửa (Hình 2) cũng như ở một số địa điểm ngoài trời - đây là bằng chứng cho thấy: khinúi lửa phun trào, dung namđã tràn qua rừng nhiệt đới có nhiều cây cổ thụ (H.Tachihara, 2018;L.T.Phúc, 2018).Các điểm hóa thạch này là những điểm nhấn thu hút du khách đến với CVĐC Đắk Nông.

Hình 1.Hóa thạch Cúc đá ở Đắk Wil

Hình 2.Hóa thạch khuôn cây trong hang C2

Hình 3.Dấu tích các đợt phun thể hiện trên   bề mặt địa hình của núi lửa Chư B’Luk

Hình 4.Thác Đray Sápnăm 2007

Hình 5.hang ống ngoạn mục trong hang C7

Hình 6Opal-chalcedon nguyên khối ở Đắk Mil

    - DSĐC kiểu B- Địa mạo, được chia làm 2 phụ kiểu:B1 - Cảnh quan địa mạo,B2 - Hang động (theo Thông tư số 50/2017-TT-BTNMTcủa Bộ TN&MT). Phụ kiểu B1 cócảnh quan miệng núi lửa và thác nước. Miệng núi lửa và cảnh quan miệng núi lửa tiêu biểu có núi lửa Chư B’Luk (Buôn Choa’h) và núi lửa Phú Sơn/Nam Karở (Quảng Phú). Nhìn từ xa, các miệng núi lửa này có hình nón cụt mang tính giáo khoa điển hình. Hoạt động núi lửa Chư B’Lukđã để lại dấu vết của ít nhất 4 đợt/phaphun trào lớntừng xảy ra trong quá khứ, được thể hiện qua 4 bậc địa hình (Hình 3) và dấu vết các miệng phễu tương ứng xung quanh núi Chư B’Luk, theo thứ tự: phun trào pha sau (trẻ hơn) ở bậc địa hình cao hơn, chồng lấn lên pha trước nằm ở bậc địa hình thấp hơn. Tuổi đồng vị K-Ar thu thập quanh núi lửa Chư B’Luk đã minh chứng điều này và dao động trongkhoảng(0,689 ±0,16)đến (0,199 ±0,14) triệu năm BP. Đợt phun trào cổ nhất(~689.000 năm) chảy về hướng bắc - tây bắcđã tạo ra hệ thốnghang C (C9→C0) và xa hơn nữa là hệ thống hang B (B10→B1,cách miệng núi lửa ~15km). Đợt phun trào muộn nhất (~199.000 năm) chảy về hướng nam - tây nam (L.T.Phúc, 2018, 2019, 2020). Núi lửa Phú Sơn cómiệng chính ở giữa rất ngoạn mục,hai miệng phụ ở hai bên, cả 3 thẳng hàng theo phương á kinh tuyến. Miệng núi lửa phụ ở phía bắc là một nón than (cinder cone) điển hình. Điểm độc đáo của nón than này là có hình dạng núi lửa rất đặc trưng, cấu tạo hoàn toàn bởi tro xỉ vụn núi lửa, chứa hóa thạch khuôn thân cây gỗ thẳng đứng, chứng tỏ tro vụn núi lửa phun lên vàtrùm kín lêncây, làm cho thân cây bị cháy om nguyên trạngvà không kịp bị đổ gục khi cháy- điều hiếm thấy ở các núi lửa Tây Nguyên (L.T.Phúc, 2018, 2020)

   Thác nước và cảnh quan thác nước, tiêu biểu có cụm thác Đray Sáp (Hình 4)- Gia Longvà thác Trinh Nữ. Các thác này được phát triển theo hệ thống đứt gãy phân bậc tây bắc - đông nam và đông bắc - tây nam, trên diện lộ đá basalt hệ tầng Xuân Lộc và Túc Trưng (T.Tính, 1997). Ngoài cảnh quan ngoạn mục, bên trái về phía hạ lưucủa thác Đray Sáp và thác Trinh Nữ còn có hàng loạt các điểm di tích tiền sử đã đượcphát hiện, được Bảo tàng tỉnh Đắk Nông đào hố thám sát (L.T.Phúc, 2017,2018).

   Hang động núi lửa là DSĐC thuộc phụ kiểu B2(Hình 5). Hệ thống hang động núi lửa Krông Nôcó quy mô, độ dài và tính độc đáo bậc nhất Đông Nam Á và Trung Quốc (L.T.Phúc 2015, 2020). Đâylà quần thể di sản hỗn hợp chứa cả 3 giá trị di sản nổi bật toàn cầu (về DSĐC, ĐDSH và DSVH),là điểm nhấn đặc biệt và là linh hồn của CVĐC TC UNESCO Đắk Nông. Đã có 50 hang động núi lửa ở Krông Nô được phát hiệnvà khảo sát, trong đóđãđo vẽ chi tiết 21 hang, với tổng chiều dài >8.000m(L.T.Phúc, 2020).

   DSĐC trong hang động núi lửa Krông Nô rất phong phú, đa dạng và độc đáo với 7/10 kiểu DSĐC (A, B, C, D, E, F, I), gồm: các loại hình cửa hang (nguyên sinh, thứ sinh), tiết diện cửa hang và lòng hang (tròn, elip ngang/dọc, tam giác, hình trái tim v.v.; đặc điểm phân nhánh, phân tầng của hang; các vòm tụ khí, giếng trời (nguyên sinh, thứ sinh); cửa sổ dung nham, nút dung nham; hồ dung nham và hố sụt dung nham; thác dung nham và basalt đổ đống; cột/trụ dung nham; dấu tích dòng dung nham; bóng dung nham; ngấn dung nham và kệ dung nham; đê dung nham và lớp lót tường hang;các loại thạch nhũ (nguyên sinh, thứ sinh), basalt cầu gối, v.v. phản ánh nguồn gốc nguyên sinh và cơ chế thành tạo do thoát khí - co rút thể tích của hang động núi lửa Krông Nô (H.Tachihara,2014,2018; L.T.Phúc, 2018, 2020).   

   - DSĐC kiểu F - Khoáng vật khoáng sản, tiêu biểu có đábán quýopal-chalcedon rất phổ biến ở khu vực xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil. Tây Nguyên có nhiều đá bán quý opal-chalcedon phân bố rải rác ở nhiều nơi; nhưng loại có chất lượng tốt, nguyên khối với màu sắc đẹp rực rỡ, kích thước lớn với trọng lượng tới vài chục tấn như ở Đắk Mil là rất quý hiếm (L.T.Phúc, 2018, 2020). Nhiều công sở ở Đắk Nông và một số tỉnh thành khác đã trưng bày những khối đá bán quý được khai thác ở khu vực này (Hình 6).

   2.3. Các di sản phi địa chất 

   2.3.1. Đa dạng sinh học

   Khu vực xây dựng CVĐCthể hiện rất rõ nét 3 bối cảnh địa chất đặc trưng (như đã nêu ở mục 2.1),tương ứng với chúng là 3 khu rừng có tính ĐDSH cao đặc trưng, gồm:VQG Yok Đôn, Khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp và Khu BTTN Nâm Nung.

   VQG Yok Đôn:phần phía nam của VQG thuộc địa phận xã Đắk Wil (Cư Jut), thuộc CVĐC Đắk Nông, nằmở độ cao ~250-350m so với mực nước biển, trên vỏ phong hóa đá cát bột kết tuổi Jura sớm-giữa với kiểu rừng khộp đặc trưng. Hệ thực vật có 474 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 28 loài có trong Sách Đỏ Việt Nam. Hệ động vật có 73 loài thú, 250 loài chim, 48 loài bò sát, 16 loài êch nhái, 437 loài côn trùng, trong số đó có nhiều loài quý hiếm/có nguy cơ tuyệt chủng, gồm: Nai Cà-toong, Chà vá chân đen, Vượn đen má trắng, Voi châu Á, Bò tót, Bò rừngvà Hổ; các loài chim: gà Tiền mặt đỏ, Công (Hình 7a), Niệc nâu, Diều cá, Diều xám, Cắt nhỏ hông trắng và Già đẫy nhỏ (Hình 7b). VQG Yok Đôn là nơi có khu hệ chim đa dạng và phong phú bậc nhất Việt Nam.Hệ sinh thái rừng khộp của VQG Yok Đôn có vai trò/ý nghĩa hết sức quan trọng, mang tầm quốc tế (L.X.Cảnh, 2018).

   Khu rừng Đặc dụng Cảnh quan Đray Sáp sinh trưởng ở độ cao 400-500m, chủ yếu trên vỏ phong hóa đá basalt tuổi Pleistocene giữa. Hệ thực vậtcó đến 755 loài bậc cao có mạch thuộc 502 chi và 136 họ của 3 ngành thực vật khác nhau. Trong số 136 họ thực vật đã xác định thì có đến 15 họ có 10 loài trở lên. Hệ động vật có 289 loài có xương sốngvới 54 loài thú(có 16 loài trong sách đỏ Việt Nam), 187 loài chim(có 7 loài trong sách đỏ Việt Nam và toàn cầu), 32 loài bò sát (có 7 loài trong sách đỏ) và 16 loài ếch nhái (có 4 loài trong sách đỏ Việt Nam),tiêu biểu là các loài Kỳ đà nước, Tắc kè Gekko gecko (Hình 7c), Rắn hổ mang (Hình 7d), Rùa núi viền (Hình 7g). Các nhà sinh vật học của Bảo tàng TNVN đã hợp tác nghiên cứu với các chuyên gia nước ngoài, phát hiện 2 loài mới cho khoa học (Jérôme, 2019; Lourenço, 2020). Khu rừng này là một quần thể di sản hỗn hợp độc đáo: có quần thể Danh thắng Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia Cụm Thác Đray Sáp - Gia Long với cảnh quan ngoạn mục, có nhiều DSĐC và DSVH mới được xác lập, đặc biệt có hệ thống hang động núi lửa là điểm nhấn đặc biệt thu hút cộng đồng cũng như các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến tham quan nghiên cứu. Sinh vật hang động núi lửa Krông Nô có tính đa dạng sinh học cao. Kết quả nghiên cứu bước đầu về khu hệ động vật không xương sống đã bắt gặp 240 cá thể, bao gồm 54 họ thuộc 7 lớp, 21 bộ, trong đó đã phát hiện nhiều loài có thể là loài mới (đang được nghiên cứu). Trong số đó, có loài mới cho khoa học và đặc hữu cho hang động núi lửa Krông Nô là loài bọ cạp Chaerilus chubluk- mang tên núi lửa Chư B’Luk - đã được xác lập và công bố quốc tế (Lourenço, 2020).

a. Công ở VQG     Yok Đôn

b. Già Đẫy nhỏ ở     VQG Yok Đôn

c. Tắc kè  Gekko gecko  ở rừng Đray Sáp

d. Rắn Hổ mang ở rừng      Đray Sáp

g. Rùa núi viền ở rừng  Đray Sáp

e. Gà Lôi trắng ở  KBTTN Nâm Nung

k. Chim Hồng hoàng ở KBTTN Nâm Nung

h. Cây di sản Song Mã    ở KBTTN Nâm Nung

Hình 7. Một số loài sinh vật quý hiếm ở CVĐC Đắk Nông (L.T.Phúc, 2018)

   Khu BTTN Nâm Nung, phân bố ở độ cao >500m, chủ yếu phát triển trên vỏ phong hóa đá granit tuổi Creta. Hệ thực vật có 881 loài bậc cao có mạch, thuộc 541 chi của 175 họ thực vật,trong đó có 75 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng,có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Thế giới,như:Cẩm lai, Gõ đỏ, Gõ mật, Sao đen, Dầu mít, Sến mủ, Sao lá cong, Dầu nước v.v. và Sồi ba cạnh được coi là “hóa thạch sống” phát triển từ kỷ Jura và tồn tại đến nay. Trong rừng có rất nhiều cây cổ thụ, hiện đã được thử nghiệm xếp hạng, như cây Song Mã đã được công nhận là cây di sản (Hình 7h) (L.T.Phúc, 2018). Hệ động vật có 58 loài thú, trong đó có 24 loài có tên trong Sách ĐỏViệt Nam và Thế giới, đang có nguy cơ bị tuyệt chủng cần được bảo tồn nguồn gen như:Voi, Bò tót, Hổ, Báo gấm, Gấu ngựa, Gấu chó, Chà vá chân đen, Vượn đen, Cầy mực, Mang lớn, Bò rừngv.v.; có 33 loài bò sát, trong đó có 14 loài bò sát quý hiếm cần được bảo vệ như:Trăn gấm, Trăn đất, Hổ mang chúa, Kỳ đà nướcv.v.; có127 loài chim, thuộc 37 họ và 14 bộ, trong đó 7 loài chim quý hiếm cần được bảo vệ như:Gà tiền mặt đỏ, Gà lôi hông tía, Gà lôi trắng(Hình 7e), Dù dì phương đông, Hồng hoàng(Hình 7k), Bói cá lớn, Khướu đầu xám. Ngoài ra, khu BTTN Nâm Nung còn chứa các DSĐC ngoạn mục, bao gồm các đỉnh núi cao >1550m, các thác nước nhiều tầng (DSĐC phụ kiểu B1); đứt gãy kiến tạo (DSĐC kiểu I); thiếc, vàng sa khoáng, thạch anh tinh thể (DSĐC kiểu F); tektit (DSĐC kiểu K) và 2 DSVH (di tích lịch sử), tạo nên một quần thể di sản hỗn hợp rất giá trị, thu hút khách trong nước và quốc tế đến tham quan thưởng ngoạn và nghiên cứu.

    2.3.2. Di sản văn hóa

   Trước năm 2017, các di tích khảo cổ tiền sử đã được phát hiện, gồm: di tích Cánh Nam (Đắk Nang, Krông Nô), Thôn 8 (Đắk Wil, Cư Jut), Thôn Thác Lào, thôn Trung Sơn (xã Ea Pô, Cư Jút), Thôn 8A (Đức Mạnh, Đắk Mil), trong đó di tích Thôn 8 (Đăk Wil) được khai quật 2 lần. Trong hai năm 2017-2018 có thêm hàng chục điểm di tích tiền sử được phát hiện, nâng tổng số lên 60 DSVH đã được xác lập, trong đó có 7 DSVH vật thể đã được xếp hạng, gồm: cấp Quốc gia Đặc biệt có Đường Hồ Chí Minh, cấp Quốc gia có 6 di tích lịch sử văn hóa (Căn cứ kháng chiến B4, Đồi 72 Đắk Sắk, Ngục Đắk Mil, Nơ Trang Gưh, Thác Gia Long, Thác Đray Sáp)và 4 DSVH phi vật thể đã được xếp hạng, gồm:cấp Quốctế có Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (của các dân tộc bản địa)và Quan họ Bắc Ninh (của đồng bào di cư), cấp quốc gia có Sử thi M’Nông và Ê Đê(L.T.Phúc, 2017, 2018).

   Di tích khảo cổ trong hang động núi lửa đã mang lại nét độc đáo/khác biệt và giá trị nổi bật toàn cầu cho hệ thống hang động núi lửa ở đây (Hình 8). Đến nayđã phát hiện được 12/50 hang có di tích tiền sử, đã khai quật được 2 hang C6’ và C6.1; đã xác lập được một số loại hình di tích, gồm: di tích trại săn tạm thời (hang C6’); di tích cư trú + xưởng + mộ táng có niên đại từ 7000 - 4000 năm BP (hang C6.1). Ngoài ra, còn có dấu hiệu loại hình di tích khảo cổ mới, có thể liên quan đến nghi lễ tôn giáo (?), nhưng hiện chưa khai quật (L.T.Phúc, 2017, 2018, 2020; N.K.Sử, 2019, 2020). Trong đó, độc đáo và có giá trị nhất là đã phát hiện được di cốt người tiền sử ở hang C6.1 - điều mà hàng trăm điểm khai quật ở Tây Nguyên từ trước tới nay chưa từng gặp và hầu như cũng chưa có trong bất cứ hang động núi lửa nào trên thế giới (Cường, 2018, 2020; Sử, 2019, 2020). Phát hiện này đã gây chấn động cho giới khoa học và giới truyền thông trong và ngoài nước; được Bộ Khoa học & Công nghệ bình chọn là 1 trong 6 kết quả KHCN nổi bật năm 2018; được Hội Nhà báo Việt Nam bình chọn là 1 trong 10 sự kiện KHCN nổi bật năm 2018 (L.T.Phúc 2018, 2020).

Hình 8.Một số hiện vật và hộp sọ người tiền sử khai quật ở hang C6.1 (L.T.Phúc, 2018)

Hình 9.Đàn đá Đắk Sơn(3000-3500 tuổi)

Hình 10.Trình diễn      chiêng đá

Hình 11. Hướng dẫn chỉnh chiêng

Hình 12.Sinh hoạt cồng chiêng Tây Nguyên

NguồnSở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Nông (L.T.Phúc, 2018)

   Một loại hình DSVH vật thể hết sức độc đáo của CVĐC TC UNESCO Đắk Nông là các bộ đàn đá (Hình 9), chiêng đá (Hình 10) vàđặc biệt là Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của Nhân loại vào năm 2005 (Hình 11, 12) đã trở thành kho báu vô giá của CVĐC. 

   3. Một số nhận xét và kiến nghị

- Kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học về di sản luôn là yếu tố quyết định làm nên danh hiệu và duy trì danh hiệu CVĐC TC, là cơ sở vững chắc cho công cuộc bảo tồn và khai thác phát huy hiệu quả các giá trị di sản của CVĐC TC Đắk Nông.

   - Danh hiệu CVĐC TCUNESCO Đắk Nông làniềm tự hào cho chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông, đồng thời là niềm tự hào, động viên đội ngũ các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu tại đây tiếp tục cống hiến hết mình cho công cuộc bảo tồn di sản, khai thác hợp lý các giá trị di sản, phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội.

   - Chặng đường 14 năm để đạt được danh hiệu CVĐC TC tuy rất nhiều khó khănvất vả, nhưng để bảo tồn và khai thác hiệu quả cũng như duy trì được danh hiệu CVĐC TCcòn khó khăn gấp bội, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa địa phương, mà trực tiếp là Ban quản lý CVĐC Đắk Nông với Bảo tàng TNVN vàcác cơ quan chuyên môn trong nước và quốc tế để tiếp tục thực hiện những nghiên cứu khoa học tiếp theo nhằm bảo tồn và khai thác phát huy các giá trịdi sản.

   - Cần sớm xây dựng và triển khai thực hiện “Quy hoạch tổng thể CVĐC TCUNESCO Đắk Nông” cho sự phát triển bền vững trong liên kết vùng và hội nhập. Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn di sản và khai thác phát triển CVĐC.

   - Cần khẩn trương đầu tư nghiên cứu gia cố hang động để đảm bảo an toàn cho di sản, đồng thời an toàn cho du khách trước khi mở cửa đón khách thăm quan.

   Bài báo này được hoàn thành trong quá trình thực hiện đề tài KHCN cấp Nhà nước, mã số TN17/T06, thuộc Chương trình Tây Nguyên 2016 - 2020.

 

La Thế Phúc, Trần Quốc Huy và cộng sự