So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Wed11272024

Tuy Đức đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 06 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nông dân huyện Tuy Đức đã tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng phát triển ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

   Chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất

   Năm 2019, Hội Nông dân huyện Tuy Đức liên kết với Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina trồng thử nghiệm 9,6 ha khoai tây DooBak Hàn Quốc. Trong quá trình liên kết, Công ty đầu tư giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đây là hướng đi mới, giúp nông dân tăng nguồn thu nhập, ổn định sản xuất.

Nhờ ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nên cây khoai tây DooBak Hàn Quốc ở huyện Tuy Đức cho năng suất tương đối cao

   Năm 2020, Hội Nông dân huyện Tuy Đức liên kết với Công ty Kaizen Foods tại thành phố Hồ Chí Minh phát triển 20 ha cây nha đam trên địa bàn các xã Quảng Trực, Quảng Tân, Đắk Búk So. Công ty đã chuyển giao các kỹ thuật sản xuất cây nha đam cho bà con nông dân và cam kết thu mua nha đam với giá ổn định 1.400 đồng/kg. Sau 6 tháng xuống giống, cây nha đam bắt đầu cho thu hoạch và khoảng 1 tháng sau sẽ cho thu hoạch lứa tiếp theo. Nhờ đó, hầu hết bà con tham gia mô hình sản xuất nha đam đều yên tâm canh tác, có thu nhập ổn định.

   Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều mô hình đã được chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mà Hội Nông dân huyện Tuy Đức triển khai thời gian qua. Các mô hình được đánh giá có kết quả tốt và mở ra hướng phát triển mới cho người dân địa phương.

   Ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức cho biết, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 06, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã đem lại hiệu quả một cách rõ nét. Các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ đã có sức lan tỏa, nhận được sự hưởng ứng, thu hút từ đông đảo hội viên, nông dân tham gia.

 

Ngày 25/7/2006, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành Nghị quyết số 06 NQ/HNDTW “Về việc đẩy mạnh công tác khoa học và công nghệ của Hội Nông dân Việt Nam góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn”. Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, Nghị quyết 06 đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong cán bộ, hội viên, nông dân về áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

 

   Chuyển biến trong sản xuất

   Theo Hội Nông dân huyện Tuy Đức, bà con nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn áp dụng công nghệ sinh học, sinh hóa trong sản xuất. Nhiều bà con đã lựa chọn phương án cung cấp phân bón cho cây trồng theo hướng giảm phân hóa học, tăng cường các loại phân hữu cơ, phân vi sinh.

   Nông dân chủ trọng cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất, tránh hiện tượng thoái hóa đất và ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, làm cho năng suất cây trồng ổn định, giảm chi phí đầu tư.

   Các phụ phế phẩm trong nông nghiệp như: rơm rạ, vỏ trấu, vỏ cà phê, phụ phế phẩm nông nghiệp... đều được nông dân tận dụng, sử dụng làm phân sinh học bón cho cây trồng. Điều này giúp bà con cải thiện đáng kể cơ cấu phân bón trong sản xuất nông nghiệp.

Nông dân Tuy Đức thu hoạch khoai tây DooBak Hàn Quốc

   Nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ được bà con ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả thiết thực như: Sử dụng giống mới; kỹ thuật canh tác tiên tiến; biện pháp phòng trừ dịch, bệnh trên cây trồng, vật nuôi hiện đại...

   Trên địa bàn huyện có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

   Đơn cử như mô hình trồng dưa lưới trong nhà với quy mô 2.000m2 của hộ ông Ngô Xuân Long, ở bon Bu M'lanh A, xã Đắk R'tíh; mô hình trồng cà chua sạch theo tiêu chuẩn VietGAP trong nhà lưới với quy mô 1.000m2 của hộ ông Ngô Quang Trung, xã Quảng Tâm; mô hình nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo của hộ ông Đỗ Văn Kiều, xã Quảng Tâm...

   Theo ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân và tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

 

Nguồn: Báo Đắk Nông