So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu03282024

Đoàn đại biểu Việt Nam dự Phiên họp Đại hội đồng WIPO lần thứ 54

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Ngày 22/9/2014, Phiên họp Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lần thứ 54 đã chính thức khai mạc tại Geneva, Thụy Sỹ, với sự tham dự của 187 đoàn đại biểu đến từ các quốc gia thành viên WIPO. Tham dự Phiên họp năm nay, Đoàn đại biểu Việt Nam gồm có các đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch) do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng làm Trưởng đoàn. Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn đại diện của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva cũng tham dự các hoạt động của Đoàn.


Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng (thứ nhất từ trái sang) dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Phiên họp Đại hội đồng WIPO lần thứ 54


Đại sứ Nguyễn Thành Trung (thứ hai từ trái sang) và các đại biểu Việt Nam tại Phiên họp Đại hội đồng WIPO lần thứ 54

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Tổng Giám đốcWIPO Francis Gurry cam kết tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong các chương trình cốt lõi của WIPO như cung cấp các dịch vụ đăng ký sở hữu trí tuệ, hoạch định chính sách, xây dựng năng lực và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật. ÔngFrancis Gurry cũng nhấn mạnh đến những thành công của WIPO trong việc tạo dựng nền tảng hợp tác quốc tế mới về sở hữu trí tuệ, cũng như sự cần thiết phải nhanh chóng phê chuẩn một số điều ước quốc tế để đưa các cam kết trở thành hiện thực.

Tại Phiên họp này, các nước thành viên WIPO sẽ thảo luận và thông qua báo cáo về kết quả hoạt động trong năm qua của các Ủy ban, Hội đồng trực thuộc WIPO như: Ủy ban Sở hữu trí tuệ và phát triển (CDIP), Ủy ban thường trực về quyền tác giả và quyền liên quan (SCCR), Ủy ban thường trực về luật sáng chế (SCP), Ủy ban thường trực về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý (SCT), Ủy ban tư vấn về thực thi (ACE), v.v.; xem xét và thông qua một số sửa đổi trong Quy chế thi hành Hiệp ước PCT, Quy chế thi hành Thỏa ước và Nghị định thư Madrid; xem xét và xây dựng kế hoạch tổ chức các Hội nghị ngoại giao để thông qua Hiệp ước về luật kiểu dáng công nghiệp, và các Văn kiện quốc tế về bảo hộ nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian, v.v.

Đoàn Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia các nội dung quan trọng của Hội nghị. Cụ thể tại Phiên họp toàn thể sau Lễ khai mạc, thay mặt Đoàn Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Trung Thành đã có bài phát biểu chào mừng, trong đó Đại sứ đánh giá cao những thành tựu của WIPO trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới, sáng tạo và bảo vệ sở hữu trí tuệ vì lợi ích của tất cả các quốc gia thành viên, cũng như vai trò quan trọng của WIPO trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu và mới nổi. Đại sứ đã điểm lại công tác của WIPO kể từ phiên họp Đại hội đồng trước, đồng thời khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam đối với các hoạt động của WIPO nhằm thực hiện mục tiêu đề ra trong Chương trình tái thiết chiến lược và Chương trình phát triển WIPO vì lợi ích của tất cả các bên liên quan. Việt Nam cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với WIPO và các quốc gia thành viên khác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, tạo điều kiện cho sáng tạo và đổi mới. 

Đặc biệt, tại Phiên họp này, các nước thành viên WIPO đã bầu Đại sứ Nguyễn Trung Thành làm Chủ tịch Ủy ban điều phối WIPO. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của WIPO, Việt Nam giữ chức Chủ tịch một Ủy ban chuyên trách về nhân sự của WIPO. Điều này cho thấy sự chủ động, tích cực và uy tín của ViệtNam trong các hoạt động của WIPO.

Bên lề Phiên họp, Đoàn Việt Nam đã có một số cuộc gặp gỡ và làm việc với các đối tác để thảo luận và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ.


Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry tiếp Thứ trưởng Trần Văn Tùng

Tại buổi làm việc với Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng đã cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của WIPO dành cho Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia và đề nghị WIPO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng chính sách và chiến lược, phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ Việt Nam tham gia và các dự án thuộc Chương trình phát triển WIPO.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Văn Tùng đã mời Tổng Giám đốc Francis Gurry thăm Việt Nam. Tổng giám đốcWIPO cảm ơn lời mời của Thứ trưởng, đánh giá cao sự quan tâm và nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống sở hữu trí tuệ, đồng thời cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc sử dụng sở hữu trí tuệ để phát triển kinh tế - xã hội.

Làm việc với Đoàn Nhật Bản, hai Bên đã trao đổi tình hình phát triển về sở hữu trí tuệ của mỗi nước, đánh giá Kế hoạch hợp tác giữa hai Cơ quan sở hữu trí tuệ và thảo luận các hoạt động hợp tác tiếp theo. Hai bên nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai thành công Kế hoạch hợp tác giữa hai Cơ quan. Ngoài ra, Đoàn Việt Nam cũng tham gia buổi làm việc giữa Đoàn Nhật Bản với Đoàn các nước ASEAN.


Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Phạm Phi Anh và Chủ tịch Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) Hitoshi Ito


Tham dự buổi làm việc giữa Đoàn Nhật Bản và Đoàn các nước ASEAN

Làm việc với Đoàn Ôxtrâylia, hai Bên ghi nhận sự hợp tác tốt đẹp trong các khuôn khổ Quỹ Tín thác WIPO/Ôxtrâylia và ASEAN – Ôxtrâylia & Niu Dilân, và nhất trí sẽ cùng phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức các chương trình đào tạo về thương mại hóa tài sản trí tuệ và chương trình đào tạo thẩm định viên sáng chế trực tuyến của Ôxtrâylia dành cho các nước ASEAN trong các khuôn khổ nêu trên.


Đoàn Việt Nam làm việc với Đoàn Ôxtrâylia

Ngoài ra, Đoàn Việt Nam còn có các buổi tiếp xúc và làm việc với Đoàn Vương quốc Anh, tham dự buổi Tổng Giám đốc WIPO tiếp Đoàn các nước ASEAN, tham dự buổi làm việc giữa Đoàn ASEAN với Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO) và Cơ quan Hài hòa hóa thị trường nội khối EU (OHIM).

Đoàn tham dự Phiên họp Đại hội đồng WIPO cho đến hết ngày 30/9/2014.