So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Wed07032024

Hội đồng xét duyệt, thuyết minh đề tài cấp tỉnh: “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Đắk G’Long tỉnh Đắk Nông”

Đánh giá:  / 0
DởHay 

     Ngày 24/04/2015, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đăk Nông đã tổ chức Hội đồng khoa học đánh giá, thuyết minh đề tài "Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Đắk G’Long tỉnh ĐắkNông" do Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng  đăng ký chủ trì, Thạc sĩ Nguyễn Đức Dũng làm chủ nhiệm. Thời gian thực hiện 36 tháng (từ  04/2015 - 04/2018).

    Trong những năm gần đây, giá tơ trên thị trường thế giới luôn ổn định ở mức 50 đến 60 USD/1kg nên giá kén tằm trong nước hiện nay có giá từ 140.000 đến 150.000/1kg. Do giá kén cao nên tại nhiều địa phương, nghề trồng dâu nuôi tằm đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Tây Nguyên là khu vực lý tưởng cho nghề dâu tằm tơ do những ưu thế về tiềm năng khí hậu đất đai, lao động - từ năm 2011 đến năm 2013 đã trồng được hàng ngàn ha giống dâu mới, năng suất lá dâu từ 8 đến 12 tấn/ha/năm, nay đã tăng lên 20 tấn/ha/năm. Năng suất kén thu từ sử dụng lá dâu trên 1 ha có thể đạt 1500 đến 2000kg/năm. Như vậy thu nhập trên 1 ha trồng dâu nuôi tằm hiện nay có thể đạt 200 triệu đồng /năm.

    Theo điều tra sơ bộ, tỉnh Đăk Nông nói chung và huyện Đăk G’Long nói riêng có điều kiện tự nhiên khí hậu rất thuận lợi cho việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm.

Hội đồng xét duyệt thuyết minh đề tài.

    Trong những năm vừa qua Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng đã triển khai 1 số nghiên cứu thử nghiệm tại xã Quảng Khê,Đắk Som và bước đầu đã thu được một số kết quả hết sức khả quan.

    Tuy nhiên, trong khuôn khổ hạn hẹp của một số đề tài cấp bộ mới chỉ dừng lại ở mức độ chứng minh được tính hiệu quả của nghề trồng dâu nuôi tằm trên vùng đất Đăk G’Long mà chưa chuyển giao được các công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương. Người dân chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc bảo quản, chưa có doanh nghiệp đứng ra đảm bảo thu mua kén nên hiệu quả sản xuất không cao, không ổn định và việc bán kén khó khăn, giá cả thấp.

    Từ những hạn chế trên,Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng  đã đăng ký thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Đắk G’Long tỉnh Đắk Nông”.  Đề tài có sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đầu tư tài chính, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, bảo quản, chế biến, bao tiêu sản phẩm đầu ra.

      Kết quả của nghiên cứu là cơ sở quan trọng thúc đẩy ngành dâu tằm tại địa phương. Mặt khác,đây còn là cơ sở khoa học để các cấp lãnh đạo địa phương định hướng và có các chính sách cơ chế phù hợp cho việc quy hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm theo hướng nông nghiệp bền vững.

 

Tin,ảnh : N.M