So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Wed07032024

“Đánh giá nguồn lực sinh kế và đề xuất mô hình sinh kế bền vững cho các hộ gia đình nghèo là dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông”

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Ngày 20/11/2014, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội đồng đánh giá, xét duyệt thuyết minh đề tài cấp tỉnh "Đánh giá nguồn lực sinh kế và đề xuất mô hình sinh kế bền vững cho các hộ gia đình nghèo là dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông", do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng chủ trì, PGS.TS Đào Hữu Hòa làm chủ nhiệm.

   Sinh kế là cách sống được con người lựa chọn phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái... Việc lựa chọn phương thức mưu sinh đối với đồng bào dân tộc miền núi ít người hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo ghi nhận từ nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước, việc xây dựng thành công các mô hình sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chính là công cụ quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực có đông người DTTS sinh sống.

   Vào thời điểm năm 2006, tỉ lệ hộ nghèo ở Đắk Nông là 15,7%. Để đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp có hiệu quả, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập (năm 2013, GDP/người của toàn tỉnh là 27,23 triệu đồng/người/năm). Tuy vậy, đến nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân trên địa bàn tỉnh có thu nhập thấp, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn, khả năng tiếp cận các điều kiện sống cơ bản còn bị hạn chế, nhất là khu vực đồng bào DTTS, vùng đồng bào di cư, vùng sâu vùng sa, vùng sản xuất hàng hóa chưa phát triển... Ở những vùng này, GDP/người thấp hơn nhiều so với bình quân chung của tỉnh.

Các thành viên tham gia hội đồng đánh giá xét duyệt  

   Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh thì đến hết năm 2013, toàn tỉnh còn 20.175 hộ nghèo (trong đó có tới 12.455 hộ nghèo là đồng bào DTTS) với 92.093 chiết khẩu, chiếm 15,64% số hộ toàn tỉnh. Như vậy, đến thời điểm đầu năm 2014, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS ở tỉnh còn chiếm tới 33,09% trên tổng số hộ DTTS toàn tỉnh. Nguyên nhân được xác định là do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất, đông con và đặc biệt là trình độ dân trí thấp, nhất là vùng đồng bào di cư từ phái Bắc vào... Ngoài ra, việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực này chưa thật sựgắn với việc xây dựng và phát triển các mô hình sinh kế bền vững và những điều kiện đặc thù của vùng dân tộc ít người cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho tỉ lệ hộ nghèo, đói ngày một gia tăng.

   Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 15%, trong đó tỉ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm từ 5-6%, tỉnh cần phải khắc phục và xóa bỏ những phong tục, tập quán sản xuất không còn phù hợp như: canh tác chỉ dựa vào tự nhiên, tự cung tự cấp, sống dựa hẳn vào tự nhiên mà không có ý thức giữ gìn, tái tạo tài nguyên; lối sống khép kín dẫn đến bảo thủ, trì trệ... Muốn vậy, phải nghiên cứu và xây dựng được các mô hình sinh kế bền vững phù hợp với trình độ của đồng bào dân tộc ít người gắn với điều kiện cụ thể của từng vùng sinh thái, nâng cao khả năng tiếp cận các cơ hội phát triển cho đồng bào các dân tộc ít người.

   Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh chưa có công trình khoa học nào đi sâu nghiên cứu và giải quyết yêu cầu cấp bách cả về lý luận lẫn thực tiễn nói trên. Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài "Đánh giá nguồn lực sinh kế và đề xuất mô hình sinh kế bền vững cho các hộ gia đình nghèo là dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Nông" là cần thiết và cấp bách, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện, bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh trong tương lai.

   Trên cơ sở đó, đề tài sẽ nghiên cứu, đánh giá những mặt tích cực, hạn chế về hoạt động sinh kế của hộ đồng bào nghèo là người DTTS; đánh giá tổng hợp nguồn lực sinh kế của các hộ gia đình nghèo là người DTTS, qua đó xây dựng những luận cứ khoa học và thực tiễn để đề xuất các mô hình sinh kế bền vững cho vùng đồng bào DTTS ở Đắk Nông. Bên cạnh đó, việc thực hiện đề tài sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách các cấp ở địa phương và Trung ương có được cái nhìn toàn diện về thực trạng các nguồn vốn cho sinh kế của đồng bào DTTS phù hợp với đặc điểm của từng dân tộc, từng vùng sinh thái, đưa ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Đăk Nông gắn với mô hình sinh kế đã xây dựng.

 

Tin, ảnh: Ngô Tâm