So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Khoa học và Công nghệ Đăk Nông từng bước phát triển

Đánh giá:  / 0
DởHay 

     I. Tổng quan chung về tỉnh Đăk Nông

     Đăk Nông là tỉnh miền núi, nằm ở phía nam Tây nguyên, được thành lập ngày 1 tháng 1 năm 2004 trên cơ sở chia tách từ 6 huyện phía nam của tỉnh Đăk Lăk (cũ), có diện tích tự nhiên 6513Km2, dân số khoảng 565.529 người (số liệu năm 2014), gồm 42 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào thiểu số chiếm 34,5%, dân tộc tại chỗ chiếm trên 10%. Đến nay tỉnh có 7 huyện và 1 thị xã. Nằm ở phía Đông Nam của Tây nguyên, Đăk Nông có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, diện tích đất lâm nghiệp khá lớn, chủ yếu là rừng tự nhiên, rùng trồng không đáng kể, tỷ lệ che phủ rừng khoảng 50%, có 393,154ha đất đỏ Bazan, thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiêp tiếp tục phát triển, giữ vai trò trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn dịnh xã hội. Khoáng sản cũng là một thế mạnh của tỉnh, nhất là quặng Bauxit trữ lượng có dự toán khoảng 5,4 tỷ tấn, ngoài ra còn một số loại khoáng sản như thiếc sa khoáng, wolfram, antimoal bazan bọt; bazan cột, bazan khối, cát xây dựng, đá bazan, đá granit, sét gạch ngói, than bùn, opal, kaolin, … Đây là cơ sở quan trọng để phát triển công nghiệp khai khoáng, sản xuất, chế biến cho nội tiêu và xuất khẩu, ngoài ra, Đăk Nông còn có hệ thống sông ngòi, hồ đập khá lớn cộng thêm địa hình chia cắt đã tạo nên một số kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ, đây cũng là tiềm năng để phát triển hệ thống thủy điện và du lịch.

      Với những vốn tài nguyên sẵn có tuy nhiên kinh tế Đăk Nông vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp, trình độ canh tác của người dân còn lạc hậu, công nghiệp chế biến phát triển chậm.  Các cơ sở sản xuất công nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư, phần lớn có quy mô nhỏ, còn lạc hậu,  trình độ quản lý còn hạn chế.

     Trong những năm qua dưới dự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, kinh tế Đăk Nông đã thu được những kết quả nhất định. Đại hội Đảng lần thứ XI (nhiệm kỳ 2015 – 2020) đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân từ 2006 – 2010 (theo giá cố định 1994) đạt 12,62%/15%, trong đó khu vực công nghiệp xây dựng đạt 16,83/25,07%, dịch vụ đạt 14,98%/18,03%, thu nhập bình quân theo đầu người đạt 36,48 triệu đồng/27 triệu đồng bằng 74%/75,7% so với mức bình quân chung của cả nước.

     II. Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) nổi bật trong thời gian qua

     1. Kết quả đạt được

     Trong thời gian qua hoạt động KHCN Đăk Nông đã đạt được những kết quả nhất định góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

     Công tác tham mưu xây dựng nghị quyết chương trình hành động của Tỉnh ủy, văn bản quản lý nhà nước về hoạt động KHCN của Ủy ban nhân dân tỉnh được chú trọng. Với gần 25 văn bản khác nhau, đảm bảo công tác chỉ đạo, quản lý KHCN địa phương.

     Công tác quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ đã có sự chuyển biến tích cực, tiếp tục duy trì việc hướng dẫn, khai báo cấp phép cho các cơ sở bức xạ, hướng dẫn đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu sản phẩm, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Công tác tuyên truyền, tập huấn được đẩy mạnh qua đó các doanh nghiệp nhận thức được tác động của bức xạ đối với môi trường và sức khỏe con người, đặc biệt là người lao động trực tiếp với thiết bị trong quá trình vận hành.

     Vai trò của hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đối với sản xuất và đời sống ngày càng được nâng cao, đã hòa thành tốt những nhiệm vụ quản lý chất lượng đo lường và phổ biến, bồi dưỡng kiến thức về tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho các tổ chức và công dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với sự tồn vong của tổ chức, đơn vị mình.

     Công tác Thanh tra đã đạt được những kết quả đáng kích lệ, triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đo lường và chất lượng hàng hóa, góp phần tăng cường kỷ cương pháp luật, phòng ngừa các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

     Khoa học và công nghệ cấp huyện đã có những tiến bộ rõ rệt, hàng năm Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội nghi giao ban triển khai công tác KHCN cấp huyện, thị xã, giao kinh phí cho các huyện, thị thông qua các đề tài, nhiệm vụ KHCN nhằm huy động nguồn vốn từ các tổ chức cá nhân đầu tư cho KHCN.

     2. Tiềm lực khoa học công nghệ

     Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, hoạt động KHCN của Đăk Nông ngày càng có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nhiệm vụ mới, thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tuy còn khó khăn về nhiều mặt nhưng tỉnh đã có nhiều chủ trương chính sách thu hút đội ngũ tri thức phục vụ quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Đến nay toàn tỉnh đã có 03 tiến sỹ và khoảng 500 thạc sỹ và hơn 5.000 kỹ sư, cử nhân. Nhìn chung đội ngũ cán bộ đa phần còn trẻ, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm, chất lượng đội ngủ cán bộ ngày càng được nâng cao.

     3. Hoạt động khoa học công nghệ nổi bật

     Hoạt động KHCN đã có nhiều kết quả nổi bật trong các lĩnh vực nghiên cứu:

- Lĩnh vực Nông lâm nghiệp: Đây là lĩnh vực thế mạnh cơ bản của tỉnh do vậy việc nghiên cứu ứng dụng các đề tài KHCN phục vụ cho lĩnh vực này được thực hiện nhiều, tập trung ứng dụng công nghệ kỹ thuật giống mới và xây dựng mô hình thử nghiệm như “Nghiêm cứu ứng dụng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm mô hình nuôi thương phẩm cá Thát lát trên địa bàn tỉnh”; “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển nguồn nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc”; “Nghiên cứu một số giải pháp KHCN nằm phát triển nông nghiệp bền vững trên đất dốc tỉnh Đăk Nông”; “Điều tra, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng một số hàng hóa nông sản chủ yếu ở tỉnh Đăk Nông”;…vv.

     Ngoài ra từ năm 2010 đến nay các nhiệm vụ KHCN như xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật triển khai trên địa bàn các huyện, thị xã có những tiến bộ đáng kể: “xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây rau măng tây trên địa bàn huyện Đăk Mil”; “Thí nghiệm mô hình nuôi Nhím trên địa bàn huyện Tuy Đức”; “Mô hình tưới tiết kiệm trên cây hồ tiêu tại huyện Đăk Rlấp và huyện Đăk Song”, vv...

     Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn: Để từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội như “Xác định cơ sở khoa học và đề xuất các chính sách, giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế”; “Xây dựng luận chứng cơ sở lý luận, làm rõ tác động của hội nhập kinh tế quốc tế ảnh hưởng đến phát triển của ngành, lĩnh vực sản xuất trọng điểm của tỉnh Đăk Nông”; “Cơ sở khoa học cho việc xây dụng chính sách giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Đăk Nông”;…vv.

     Một số đề tài còn đi sâu vào tình hình thực tế, những vấn đề mang tính cấp bách cần giải quyết nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện của một tỉnh còn non trẻ như đề tài: “Một số chính sách giải pháp cho việc chuyển đổi ngành nghề đối với các hộ dân vùng đô thị hóa, hộ dân thuộc diện giải tỏa để ổn định cuộc sống, hội nhập và phát triển bền vững trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa”; “Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đăk Nông đến năm 2020”;…vv. Bên cạnh đó, một số đề tài thuộc lĩnh vực KHXH&NV còn đi sâu vào nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đăk Nông như “Xây dựng nội dung hướng dẫn dạy tiếng M’nông cho các đối tượng tại tỉnh Đăk Nông”; “Văn hóa mẫu hệ và sự tác động của nó đến sự phát triển kinh tế - xã hội, tộc người M’nông ở tỉnh Đăk Nông hiện nay”;…vv.

     Mặc dù còn nhiều khó khăn, chưa có sự quan tâm đúng mực của các cấp, các ngành, các tiến bộ kỹ thuật và thành tựu KHCN còn có những hạn chế, đội ngũ cán bộ KHCN ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hôi đều thiếu và yếu, cán bộ phụ trách hoạt động KHCN ở cấp huyện không ổn định, ảnh hưởng đến hoạt động bộ máy quản lý KHCN nói chung. Tuy nhiên hoạt động KHCN vẫn đạt được những kết quả nhất định.

     Việc thu hút các nhà khoa học ở các viện, trường tham gia đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương bước đầu đã được đẩy mạnh, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Một số chương trình KHCN đã được định hướng nhưng chưa nhận được đề xuất xây dựng kế hoạch, đặt hàng nghiên cứu triển khai cụ thể từ các ngành, các tổ chức các nhân hoạt động trên lĩnh vực KHCN trong và ngoài tỉnh./.

- Xuân Quả -