So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Mon04292024

Giải pháp nào cho việc phát triển bền vững ngành chăn nuôi

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Trong những năm qua, ngành chăn nuôi nước ta đã có những bước phát triển đáng kể, tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp cũng ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong xu hướng hội nhập sâu rộng hiện nay, ngành chăn nuôi trong nước cũng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn và mức độ cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu ngày càng khốc liệt hơn. Để ngành phát triển bền vững, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó yêu cầu về chăn nuôi tập trung, quy hoạch vùng, chủ động đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước được đặt ra khá cấp thiết. Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải đẩy mạnh tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng sức cạnh tranh. Trong đó, việc tạo lợi thế cạnh tranh chính là con đường duy nhất để ngành tồn tại trong xu thế hiện nay.

   Những bất cập của ngành chăn nuôi hiện nay

   Đặc điểm nổi bật của nông nghiệp Việt Nam là hệ thống sản xuất kết hợp mà rõ ràng nhất là sự kết hợp mật thiết giữa chăn nuôi và trồng trọt, trong đó trâu bò được sử dụng làm sức cày kéo trong trồng trọt, cũng như nuôi lợn và trồng lúa hỗ trợ lẫn nhau. Người ta có thể thấy những lợi thế rõ ràng của chăn nuôi quy mô nhỏ, như sự khép kín với trồng trọt, phù hợp với khả năng đầu tư và trình độ kỹ thuật của nông hộ nhỏ. Nó cũng cho phép sử dụng tốt hơn các giống địa phương có đặc điểm là năng suất thấp nhưng lại thích nghi tốt với điều kiện sinh thái. Chính hệ thống này cũng đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành. Thực tế phát triển của ngành cũng cho thấy, dù phát triển theo hướng quy mô, tập trung, nước ta vẫn phải chấp nhận hỗ trợ hộ chăn nuôi nhỏ duy trì sản xuất. Tuy nhiên, điểm yếu của chăn nuôi nông hộ phổ biến là phân tán, nhỏ lẻ. Do khối lương sản phẩm không lớn và chất lượng thấp nên khó tiếp cận thị trường.

   Một điều rõ ràng là khi chăn nuôi nông hộ phân bổ ngay trong khu dân cư thì rất khó kiểm soát dịch bệnh cho cả người lẫn gia súc. Cũng rất khó áp dụng các kỹ thuật an toàn sinh học để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm (như lở mồm long móng, cúm gia cầm…). Ở nước ta, chăn nuôi phát triển rất mạnh ở các vùng làng nghề như: nấu rượu, làm bánh, mỳ, miến. Nhưng do chăn nuôi tập trung dầy đặc đã gây ra ô nhiễm môi trường nặng nề, tình trạng này có thể thấy ở rất nhiều nơi có mật độ dân cư cao.

   Thực tế, khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi hiện nay là thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định. Do đó, thu nhập, giá trị gia tăng chưa lớn, gây khó khăn cho người chăn nuôi và tạo ra tâm lý không muốn tái đàn, dẫn tới giá cả biến động. Theo các chuyên gia trong ngành, hiện, chăn nuôi Việt Nam đang tồn tại các điểm yếu cần khắc phục: phát triển không bền vững về năng suất, giá cả; chất lượng một số giống vật nuôi thấp; hình thức tổ chức sản xuất còn cũ, manh mún và bị cắt khúc nên hiệu quả kinh tế không cao. Thêm vào đó là tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, gặp nhiều khó khăn trong xử lý chất thải, dịch bệnh, tình trạng giết mổ thủ công vẫn còn tràn lan, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Mô hình nuôi thỏ tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jut

   Thức ăn chăn nuôi (TĂCN) công nghiệp là con đường tất yếu để nâng cao hiệu quả thức ăn. Tuy nhiên, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vật tư giả, kém chất lượng ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của nông dân nói chung và người chăn nuôi nói riêng, thời gian qua người chăn nuôi không chỉ khốn khổ vì giá heo, gà đang xuống thấp mà còn thực sự lo sợ khi TĂCN bị làm giả được buôn bán tràn lan trên thị trường.Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi nhằm thúc đẩy nhanh việc tăng trưởng của gia súc, gia cầm, các nhà sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm đã sử dụng các chất kích thích tăng trưởng ngày càng nhiều. Hiện nay, tình trạng nuôi gia súc, gia cầm chỉ một thời gian rất ngắn đã được xuất bán ra thị trường cho người tiêu dùng đang là tình trạng phổ biến. Ít có người nông dân nào chịu kiên nhẫn chờ cho gia súc, gia cầm của mình qua thời gian tiêu hoá hết tồn dư chất kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng rồi mới bán ra thị trường. Từ đó,đã để lại tồn dư các hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

   Để khắc phục được tình trạng trên nhằm phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững, cần có những giải pháp lâu dài và đồng bộ. Cụ thể như sau:

   Một là, phát triển phương pháp chăn nuôi tập trung, quy hoạch vùng, chủ động đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước. Giám sát phương thức chăn nuôi của người dân, kiểm tra tồn dư chất kháng sinh, chất cấm có trong thịt để từ đó xây dựng các biện pháp sản xuất thịt lợn đảm bảo chất lượngVSATTP. Giám sát chặt chẽ và tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, gắn trách nhiệm cho đội ngũ làm công tác thú y tại địa phương. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các đại lý cung ứng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, giám sát chất lượng thức ăn gia súc, đặc biệt là hàm lượng chất kháng sinh, chất cấm được bổ sung trong thành phần thức ăn. Để khuyến khích người dân tham gia cung ứng các sản phẩm thịt sạch, đảm bảo VSATTP, cần sớm xây dựng chuỗi đảm bảo VSATTPthịt từ khâu giống -chăn nuôi -giết mổ -tiêu thụ.

   Hai là, áp dụng biện pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Biện pháp này cho phép thu thập thông tin ngược dòng từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu. Giải pháp này là giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn VSATTPvà tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi trong quá trình hội nhập và phát triển. Giải pháp này cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên là nhà chăn nuôi, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm và hệ thống quản lý nhà nước.

   Ba là cần đầu tư các cơ sở nuôi giữ, bảo tồn, chọn lọc, nhân các giống trong nước quý để làm nguyên liệu lai giữa các giống nội và lai giữa các giống nội với ngoại, tạo con lai thương phẩm có năng suất, chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong nước và hướng xuất khẩu. Khuyến khích phát triển cây nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi để giảm nhập, giảm giá thành thức ăn.

   Bốn là, người chăn nuôi phải thường xuyên cập nhật những kỹ thuật chăn nuôi mới, tăng cường dùng TĂCNbằng các chế phẩm sinh học không gây hại cho môi trường và người tiêu dùng. Tuyệt đối tuân thủ thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi giết thịt đúng theo hướng dẫn trên nhãn chai hoặc bao bì.

   Năm là, các cơ quan quản lý cần tăng cường khâu kiểm tra, giám sát từ khâu chăn nuôi đến khâu giết mổ gia súc, gia cầm. Mặt khác, cơ quan quản lý cũng cần thường xuyên tăng cường kiểm tra những chủng loại thức ăn gia súc, gia cầm và các loại thuốc thú ý đang lưu hành trên thị trường.

   Vấn đề định hướng và giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả tăng thu nhập cho người nông dân là cần thiết và cấp bách, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Hơn nữa, nhìn trong tổng thể việc tái cơ cấu nền nông nghiệp hiện nay, việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi cũng được tập trung đẩy mạnh. Theo đó, phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao.

   Tóm lại, cần phải thực hiện tốt những biện pháp đồng bộ từ người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, người chăn nuôi đến người tiêu dung, để khắc phục phần nào vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi. Có như vậy, về lâu dài ngành chăn nuôi mới có thể đứng vững và phát triển theo hướng xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới đòi hỏi rất khắt khe đối với chất lượng sản phẩm và đáp ứng được đầy đủ những cam kết khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại.

Nguyễn Mai