So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Fri07052024

Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Theo nghiên cứu sơ bộ của các nhà khoa học, tỉnh Đắk Nông rất giàu tiềm năng về di sản nói chung và di sản địa chất (DSĐC) nói riêng. Di sản có độ tập trung cao ở phần phía Bắc (khu vực Krông Nô) của tỉnh. Tuy vậy, DSĐC, di sản thiên nhiên (DSTN), thậm chí cả di sản văn hóa (DSVH) và di sản Địa - văn hóa ở đây chưa được nghiên cứu chi tiết để xác lập đầy đủ, chưa được xác định danh tính để pháp lý công nhận và bảo vệ. Hầu hết người dân và các nhà chức trách đều không nhận biết được đâu là DSĐC, DSTN; cho nên di sản chưa được bảo vệ, bảo tồn cả về pháp lý và thực tế, dẫn đến DSĐC đã và đang bị xâm hại. Mặt khác theo UNESCO, điều kiện để trở thành công viên địa chất (CVĐC) là phải hội tụ đủ 3 yếu tố: thứ nhất là đa dạng về địa chất và DSĐC, thứ hai là đa dạng về sinh học, thứ ba là đa dạng về văn hóa xã hội và DSVH.

Di sản ở khu vực Krông Nô khá phong phú và đa dạng. Trong đó, quần thể di sản ở khu vực Buôn Choah có hệ thống hang động trong đá bazan còn được gọi là hang động núi lửa, khác hẳn với hang động tạo thành do ngoại sinh phổ biến trong các đá trầm tích carbonat (đá vôi) ở các tỉnh miền Bắc. Đây là điểm nhấn về DSĐC trong khu vực xây dựng CVĐC, có tính độc đáo và đã xác lập được kỷ lục trong khu vực Đông Nam Á. Đối với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước phát triển khác trên thế giới có hang động núi lửa, việc nghiên cứu bảo tồn và khai thác hang động núi lửa mang lại hiệu quả cao và có quy trình riêng, khá nghiêm ngặt, trong khi thị hiếu du khách luôn quan tâm và thích thú du lịch các thể loại hang động này.

Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về DSĐC, DSTN và CVĐC cũng rất quan trọng cho công tác bảo vệ bảo tồn và khai thác bền vững di sản. Kể từ khi cao nguyên Đồng Văn được UNESCO công nhận là DSĐC toàn cầu đến nay, di sản nói chung và DSĐC nói riêng ở đây đã được chú ý bảo vệ bảo tồn, quản lý và khai thác các giá trị cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội. DSĐC đã và đang được tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khoa học để phục vụ công tác bảo tồn, phát triển theo quy hoạch tổng thể CVĐC mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Thiết nghĩ, di sản ở Krông Nô cũng cần sớm được bảo vệ bảo tồn, quản lý và khai thác bền vững theo hướng xây dựng CVĐC.

Từ những lý do nêu trên, đề tài “Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” được triển khai thực hiện từ tháng 7/2016 đến tháng 7/2018, do TS. La Thế Phúc - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất, nghiên cứu viên chính Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chủ nhiệm đề tài.

Mục tiêu của đề tài nhằm điều tra, xác lập đầy đủ các di sản (bao gồm: DSĐC, DSTN, DSVH và di sản Địa - văn hóa) phân bố trong khu vực huyện Krông Nô và kế cận thuộc tỉnh Đắk Nông; Khảo sát, đo vẽ chi tiết và đánh giá độ an toàn của các hang động thuộc hệ thống hang động núi lửa khu vực Krông Nô phục vụ cho việc đầu tư, phát triển du lịch; Đánh giá các giá trị di sản và xây dựng được hồ sơ, trình duyệt công nhận CVĐC Quốc gia hướng tới CVĐC toàn cầu cho khu vực Krông Nô; đồng thời, nâng cao nhận thức công đồng về di sản.

Để đạt được các mục tiêu trên, đề tài cần triển khai các nội dung nghiên cứu sau: Nghiên cứu, thu thập, phân tích xử lý, tổng hợp kế thừa; Điều tra khảo sát thực địa, thu thập tài liệu nguyên thủy, lấy mẫu phân tích các loại; Lập phiếu điều tra, phát phiếu và lấy kết quả điều tra, tổng hợp thông tin từ phiếu điều tra; Khảo sát đo vẽ chi tiết hệ thống hang động, đánh giá độ an toàn phục vụ khai thác du lịch; Tổng hợp, xác lập di sản và đánh giá di sản; Điều tra các yếu tố xâm hại di sản và công tác bảo tồn di sản; Đánh giá triển vọng xây dựng CVĐC Krông Nô theo các tiêu chí của UNESCO; Xây dựng hồ sơ CVĐC Krông Nô; Tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng - quản lý bảo tồn - khai thác phát triển bền vững DSĐC, CVĐC ở trong và ngoài nước; Đề xuất giải pháp bảo tồn, quản lý, khai thác và phát triển bền vững CVĐC; Thành lập các loại bản đồ liên quan; Ứng dụng tin học, xây dựng cơ sở dữ liệu đề tài; Triển khai phân tích mẫu các loại; Hợp tác quốc tế trong công tác nghiên cứu, phân tích chuyên sâu; Tích hợp tài liệu nghiên cứu, báo cáo tổng kết, viết báo khoa học và trình duyệt nghiệm thu đề tài.

Mai Hoa