So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Fri07052024

Từ phong trào phụ nữ “biến phế liệu thành bò” xuất hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường của các cấp Hội phụ nữ năm 2017

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Tháng 6/2015, nhằm giúp chị em vừa phân loại rác thải tại nhà góp phần bảo vệ môi trường nơi ở, đồng thời tạo nguồn vốn tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo tại địa phương, từ một bài viết mô hình “biến phế liệu thành bò” trên website Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Đắk Nông đã học tập và tiến hành phát động phong trào phụ nữ “biến phế liệu thành bò”. Qua 1 năm triển khai thực hiện, phong trào đã thu hút sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, hội viên, phụ nữ gắn với tiêu chí 3 sạch (sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ) của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và bước đầu xuất hiện nhiều mô hình điển hình, cách làm sáng tạo trong bảo vệ môi trường đáng khích lệ.

Đáng kể đến là huyện Cư Jut với kết quả thu về sau 2 đợt triển khai chị Nguyễn Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Huyện Hội hướng dẫn 8 Hội LHPN xã, thị trấn đồng loạt tuyên truyền, nhân rộng các hoạt động thu gom bán phế liệu bằng nhiều nguồn như: tại hộ gia đình, thông qua câu lạc bộ môi trường đã hoạt động từ trước đó... tập trung từ chi hội gửi lên Hội cấp trên. Sơ kết 1 năm triển khai, cùng với việc trao mái ấm tình thương, huyện Hội trao tặng 30 triệu đồng tiền mặt cho 3 chị hội viên nghèo ở 3 đơn vị cấp xã để các chị huy động thêm vốn mua 3 con bò giống. Đến nay, 1 trong số 3 con bò đã có bầu, đem lại niềm vui lớn cho chị em địa phương, tạo hiệu ứng tuyên truyền bảo vệ môi trường rất cao. Số quỹ còn lại 10 triệu huyện giữ lại tiếp tục tạo nguồn cho năm tiếp theo”.

Từ phong trào “biến phế liệu thành bò” ở Cư Jút, với số tiền chưa lớn, Câu lạc bộ “Phụ nữ thân thiện với môi trường” tại thôn Hà Nam Ninh, xã Đắk Mol, Đắk Song lại có phương thức chuyển đổi khác, đó là “biến phế liệu thành gà”, 25 thành viên trong câu lạc bộ góp vốn 250.000đồng/chị, mua 24 thùng đựng rác, tổ chức thu gom, phân loại rác thải và bán phế liệu, góp thêm vốn gây quỹ được 15 triệu đồng, hỗ trợ cho 3 hộ gia đình khó khăn vay không lấy lãi để mua gà.

Còn ở mô hình “Bao rác thân thiện” của Chi hội Phụ nữ thôn 3, xã Đăk P’Lao, huyện Đắk G’Long thì “biến phế liệu thành thùng đựng rác”. Thành lập và hoạt động từ tháng 2 năm 2017, 11 chị hoạt động theo quy chế: Hàng tháng, nhóm đi gom rác 1 lần, về nơi quy định sau đó phân loại rác. Đối với rác hữu cơ, có thể đem chôn lấp hoặc làm phân hữu cơ cho cây trồng; Đối với phế liệu có thể tận dụng như: chai nhựa, giấy báo, bao bì xi-măng, lon bia, nước ngọt… thì gom lại, đem bán, số tiền bán được gây quỹ, nguồn quỹ gây được dùng để mua các sọt rác tặng cho các hội viên phụ nữ trong nhóm, hướng dẫn chị em gom rác tại nhà, đến ngày ra quân gom phế liệu thì góp vào đem bán. Bên cạnh việc gom các phế liệu đem bán gây quỹ, nhóm còn có hoạt động đóng tiết kiệm, nhóm quy định hàng tháng mỗi chị tiết kiệm 10.000 đồng. Số tiền tiết kiệm được cho chị em đi thăm hỏi các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau trong thôn.

Cả 3 mô hình hoạt động được kể trên là một trong số nhiều mô hình hay, có cách làm hiệu quả, cụ thể được các cấp Hội triển khai thực hiện trong năm 2017 được tỉnh Hội đánh giá và biểu dương trong đợt kiểm tra cuối năm. Cùng với các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu khác, có thể nói, bằng khả năng của mình, các tầng lớp phụ nữ đã có sự vận dụng linh động, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đem lại lợi ích thiết thực cho chị em phụ nữ, đưa 3 tiêu chí “sạch” đến gần hơn với từng hộ gia đình, đồng thời tạo sự lan tỏa việc nâng cao nhận thức và cải thiện hành vi bảo vệ môi trường trong cộng đồng./.

Phan Thị Minh