So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Sun04282024

Nông dân Krông Nô chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Thời gian qua, việc chủ động đưa những giống mới, năng suất cao vào sản xuất cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi luôn được nông dân huyện Krông Nô chú trọng, góp phần đưa Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào cuộc sống. 

   Những năm gần đây, mô hình trồng ngô của gia đình anh Nguyễn Văn Nhi ở buôn 9, xã Đắk Drô luôn là điểm tham quan, học hỏi của nhiều hộ gia đình trong và ngoài huyện. Bởi hàng năm, gia đình anh đều được Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (TP.Hồ Chí Minh) chọn làm thí điểm trồng các giống ngô mới trước khi đưa ra thị trường. Từ đó, qua hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc của công ty, anh đã học hỏi thêm những kinh nghiệm hay trong trồng ngô, nhất là tiếp cận được các giống ngô mới, năng suất cao để gieo trồng trên những diện tích đất khác.

Anh Nhi cho biết: Tận dụng thời điểm mùa khô, ruộng ít nước, không gieo được lúa, nên gia đình tôi chuyển đổi sang trồng ngô. Với những loại giống ngô thử nghiệm, chưa có tên, nhưng qua thực tế cho thấy, đây là giống năng suất cao, ít lá, ít bệnh, thích nghi trồng dày và thời gian sinh trưởng ngắn. Như vụ đông xuân vừa qua, với 2 ha, gia đình tôi thu được gần 20 tấn, năng suất cao hơn nhiều so với giống cũ. Hơn nữa, việc luân phiên thay đổi giống cũng làm giảm tình trạng thoái hóa đất.

   Gia đình anh Nguyễn Kim Bình ở thôn Nam Thạnh, xã Nam Đà thì lại mạnh dạn trong việc đưa nấm linh chi vào trồng. Với tính kiên trì, chủ động học hỏi, đến nay, trang trại của anh Bình lúc nào cũng có khoảng 25.000 bịch nấm linh chi các loại. Mỗi bịch nấm linh chi, nếu chăm sóc tốt thì có thể cho thu hoạch từ 4-5 lần. Tính theo giá sỉ, nấm linh chi đỏ có giá 400.000 đồng/kg và loại vàng 500.000 đồng/kg, còn 1 cây nấm linh chi bonsai có giá bán cả triệu đồng. Hiện nay, anh vừa bán sỉ vừa bán lẻ các loại nấm linh chi thành phẩm cũng như giống nấm cho các đại lý và khách hàng có nhu cầu.

   Không riêng gì anh Bình, theo ông Đinh Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Đà thì nhiều mô hình mới, hiệu quả cao trên địa bàn xã đang được nông dân đầu tư, áp dụng kỹ thuật cao vào sản xuất như trồng rau trong nhà lồng, trồng cây ăn quả, trồng nấm…

Hội viên, nông dân học hỏi kinh nghiệm trồng nấm linh chi của anh Nguyễn Kim Bình ở thôn Nam Thạnh, xã Nam Đà

    Còn ở xã Buôn Choáh, theo bà Trần Thị Thanh Vân, Chủ tịch Hội Nông dân thì xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

   Điển hình như chăn nuôi, trước đây, nông dân chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ để tận dụng các phế phẩm từ nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, sau khi được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hiện đã có nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn, lên đến hàng trăm con bò và còn trồng cỏ để bảo đảm nguồn thức ăn. Việc chăn nuôi cũng được chú trọng từ khâu chuồng trại cho đến chăm sóc, thuốc thú y, nên đem lại hiệu quả cao, trở thành nguồn thu chính cho nhiều gia đình.

    Đối với những hộ có đất cằn cỗi, đất đá không trồng được các loại cây dài ngày thì chuyển sang trồng các loại rau, củ, quả, nhất là bí xanh, bí đỏ. Hiện nay, toàn xã có hàng chục ha bí đỏ, bí xanh, rau củ quả các loại được trồng trên đất đá. Đặc biệt, các loại cà tím mỡ, cà đắng, cà pháo được trồng khá nhiều, năng suất đạt đến 120 tấn/ha, với giá bán từ 3.000-4.000 đồng/kg, thu nhập trong 9 tháng đạt 350 triệu đồng/ha.

    Có thể nói, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững là mục tiêu mà Đảng bộ huyện Krông Nô đang tập trung thực hiện. Vì vậy, huyện đã xác định vùng chuyên canh từng loại cây trồng, gắn với bố trí cơ cấu giống, cây trồng hợp lý, bảo đảm nhu cầu tiếp thu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ, thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy trình cụ thể.

   Huyện cũng đang tiếp tục tổng kết, nhân rộng những mô hình thí điểm đã có hiệu quả như nuôi cá lồng bè, ngô giống F1, cánh đồng mẫu, rau sạch, vải thiều, nấm và phát huy hiệu quả lợi thế của một số cây trồng chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao…Huyện còn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa và chế biến sản phẩm từ sữa tại khu vực xã Quảng Phú…

 

Nguồn: Báo Đắk Nông.