So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Fri03292024

Khắc phục khô hạn, tập trung sản xuất vụ hè thu

Đánh giá:  / 0
DởHay 

    Hạn hán kéo dài từ đầu năm đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất vụ hè thu của nông dân. Các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tích cực và vận động người dân xuống giống sớm nên tiến độ sản xuất đến nay đã vượt so với năm trước. 

    Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp -PTNT), đến nay toàn tỉnh đã xuống giống được 69.045 ha/77.179 ha, nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước 2.484 ha. Trong đó, lúa đã gieo được 6.646 ha/7.604 ha, ngô: 29.390 ha/30.080 ha, các loại cây hoa màu khác cũng vượt tiến độ xuống giống so với mọi năm. 

Nhờ chủ động nguồn nước, nông dân xã Nâm N'đir (Krông Nô) thuận lợi khi triển khai sản xuất vụ hè thu

    Mặc dù đầu năm hạn hán ảnh hưởng lớn nhưng do có phương án sản xuất và bà con nông dân cũng đã có thời gian chuẩn bị về phương tiện và vật tư nông nghiệp, địa phương cân đối nguồn nước phục vụ sản xuất nên diện tích gieo trồng đã được triển khai nhanh hơn.

    Bà Trần Thị Lan ở thôn Tân Ninh, xã Nam Dong (Chư Jút) cho biết: “Gia đình tôi đã chọn những diện tích đất có đủ điều kiện về nước tưới, ẩm độ cao để gieo trồng các loại cây thực phẩm, còn lại những nơi còn bị ảnh hưởng bởi nắng hạn thì sử dụng các giống ngắn ngày, chịu hạn để gieo trồng. Đến nay, diện tích cây ngô, đậu đỗ của gia đình đang sinh trưởng, phát triển tốt ”.

    Để giúp nông dân triển khai sản xuất an toàn, hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện Chư Jút đã chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu giống, bám sát lịch thời vụ để hướng dẫn xuống giống theo phương châm “ăn chắc”. Do đó, năm nay nhiều diện tích lúa, ngô, đậu đỗ ở các địa phương đã xuống giống đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, toàn huyện đã xuống giống được 15.122 ha cây trồng các loại, đạt 102,27% kế hoạch.

   Tại Đắk Mil, ngành Nông nghiệp huyện đã bám sát hướng dẫn sản xuất vụ hè thu của tỉnh để xây dựng kế hoạch phù hợp tình hình thời tiết, giúp người dân xuống giống đồng bộ, đạt kết quả cao. Ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo bà con sử dụng các giống ngô, lúa ngắn ngày, kháng chịu sâu bệnh để đưa vào sản xuất như giống ngô NK7238, NK65, K52; giống lúa thuần RVT, Hoa ưu 109, PC6, OM6976, TH3-3, Nhị ưu 838, Arize B-TE1, VT 404…

    Hiện nay, nhiều diện tích cây trồng như: ngô, đậu đỗ đang chuẩn bị giai đoạn ra hoa, thụ phấn; lúa bước vào thời kỳ đẻ nhánh. Đây là giai đoạn cây trồng mẫn cảm với thời tiết, bệnh dịch gây hại. Do đó, bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng, theo dõi, phát hiện diễn biến sâu bệnh để chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ đúng lúc, hiệu quả. Đối với cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, điều…, người dân tập trung chăm sóc, áp dụng biện pháp kỹ thuật để đề phòng dịch bệnh phát sinh.

    Ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: “Sản xuất vụ hè thu năm 2016 của tỉnh bị ảnh hưởng của khô hạn, nhưng đến nay, toàn bộ diện tích cây trồng trong vụ đã xuống giống đạt và vượt so với năm trước. Tuy nhiên, do thời tiết biến đổi bất thường, khó lường nên sản xuất sẽ khó khăn hơn. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh cũng sẽ diễn biến phức tạp hơn”.

 

    Cũng theo ông Khải thì các cấp, ngành chuyên môn và người dân cần hết sức cảnh giác, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chăm sóc, phòng trừ sâu hại kịp thời. Bà con nông dân cần chú trọng áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp như chương trình “3 giảm, 3 tăng” (giảm giống gieo sạ, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón; “3 tăng” (tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế); chương trình “1 phải, 5 giảm” (“1 phải” là phải sử dụng giống xác nhận, còn “5 giảm” là giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch). Có như vậy, vụ hè thu năm nay mới có thể đạt được kết quả như mong đợi.

 

Nguồn: Báo Đắk Nông.