So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Fri03292024

Kết quả chương trình tái canh cây cà phê giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh

Đánh giá:  / 0
DởHay 

    Năm 2015, diện tích cà phê toàn tỉnh hiện có 119.496 ha, trong đó diện tích kinh doanh 107.756 ha, năng suất bình quân đạt 22,88 tạ/ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 246.549 tấn; về cơ cấu diện tích tập trung thuộc các hộ tư nhân, chiếm trên 85% tổng diện tích cà phê toàn tỉnh, quy mô bình quân mỗi hộ khoảng 0,8ha, phần lớn là các giống cũ, giống thực sinh đã được trồng lâu năm.

    Thực hiện Chương trình tái canh cà phê do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh phối hợp với Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam thực hiện, giống cà phê sử dụng cho Chương trình tái canh là giống TRS1 do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cung cấp, trong những năm qua số lượng giống cà phê đã cấp pháttheo các niên vụđược 3.000kg hạt giống gieo ươm và 48.000 cây giống cà phê TRS1. Bên cạnh đó người dân đã và đang sử dụng các giống TR4, TR9, TR11, TS1 phục vụ trồng tái canh và ghép cải tạo vườn cây, với 3.000kg hạt giống được cấp phát qua các năm toàn tỉnh đã gieo ươm và cấp được 2.784.424 cây giống. Ngoài ra, Công ty TNHH Nestle Việt Nam đã kết hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức sản xuất và hỗ trợ  kinh phí cây giống (giống thực sinh, giống ghép) cho bà con nông dân. Đến thời điểm hiện tại, cây con đem ra trồng ngoài thực địa sinh trưởng phát triển bình thường, thích nghi khá tốt với điều kiện sinh thái tại các vùng trồng cà phê trong tỉnh, với tỷ lệ sống đạt 71,4%, trong đó địa phương triển khai tái canh với diện tích khá lớn như huyện Đắk Mil với 1.792,6 ha cà phê tái canh; Đắk R’lấp có 1.627,74 ha…

Vườn cà phê ghép có cây che bóng cho năng suất ổn định (Mai Hoa).

    Bên cạnh việc tái canh bằng hình thức trồng cây thực sinh, việc thực hiện ghép cải tạo được người dân quan tâm thực hiện với nhiều hình thức khác nhau như: ghép cải tạo đồng bộ trên toàn vườn hoặc ghép cải tạo những cây xấu trong vườn, nguồn trồi ghép TR4, TR9, TR11 của Viện Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, trong giai đoạn đã triển khai ghép cải tạo được 796,20 ha, trong đó các huyện Đắk Mil và Đắk R’lấp là hai địaphương đi đầu trong ghép cải tạo.

    Có thể thấy, Thông qua Chương trình tái canh cà phê bước đầu đã đạt một số kết quả như: chương trình giúp bà con nông dân tiếp cận được kỹ thuật tái canh, đưa giống mới có năng suất chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu bệnh vào thực tế để “trẻ hóa” vườn cây; làm quen với sản xuất cà phê theo hướng bền vững cũng như các tiêu chuẩn sản xuất cà phê như 4C, UTZ, Fairtrade,… dự kiến với diện tích tái canh khoảng 2.600 ha trong thời gian qua, khi vào giai đoạn kinh doanh, năng suất bình quân tăng khoảng 10 - 15% (từ 2,2 tấn/ha lên 2,6 tấn/ha) so với trước khi tái canh.

    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực hiện Chương trình tái canh còn gặp một số khó khăn bất cập như: ngoài hai địa phương triển khai tái canh với diện tích khá lớn như huyện Đắk Mil và Đắk R’lấp còn lại các huyện, thị triển khai chậm, hoặc chưa triển khai, nguyên nhân là do việc giao trực tiếp giống cho người dân tự gieo ươm nên tỷ lệ nảy mầm thấp, cây giống không đảm bảo chất lượng; người nông dân khi triển khai tái canh chưa thực hiện đúng với quy trình tái canh được khuyến cáo; các địa phương chưa điều chỉnh quy hoạch phát triển cà phê bền vững, gây khó khăn cho công tác cho vay phục vụ tái canh (cả giai đoạn toàn tỉnh mới giải ngân được 18 tỷ 237 triệu đồng cho 146 hộ vay theo chương trình vay vốn tái canh và vay ghép cải tạo); công tác chỉ đạo của các cấp, các ngành chưa quan tâm cũng như định hướng kế hoạch triển khai; thiếu sự giám sát theo dõi đôn đốc sau khi thực hiện cấp giống, cũng như công tác chuẩn bị cây giống. Thời gian cấp giống thường chậm so với vụ trồng của người dân, dẫn tới người dân đã đăng ký nhưng lại mua giống khác để trồng...

    Theo quy hoạch chung từ năm 2015 đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ triển khai thực hiện 22.099,19 ha cà phê cần tái canh và cải tạo. Trong số diện tích cần tái canh, ngoài diện tích quá già cỗi không thể phục hồi, số diện tích còn lại phần lớn sử dụng giống kém chất lượng, dễ nhiễm nhiều loại sâu bệnh hại, kỹ thuật canh tác kém, khó có khả năng phục hồi, dẫn đến năng suất, hiệu quả thấp. Để công tác tái canh được triển khai hiệu quả và đồng bộ, các cơ quan, đơn vị liên quan cần thực hiện một số nhiệm vụ sau: các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân các cấp tăng cường hơn nữa sự phối hợp với ngành Nông nghiệp triển khai tốt công tác thông tin, tuyên truyền đến tận hộ nông dân, tổ chức thành lập các nhóm hộ, tổ Hợp tác, Hợp tác xã sản xuất cà phê; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê, tham gia liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm cà phê, sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng cà phê của tỉnh; triển khai tốt các chính sách về vay vốn, điều tra nhu cầu tái canh cho từng địa phương, hỗ trợ xây dựng các vườn ươm giống cố định tại các địa phương…

 

Triều Dâng