So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Fri04192024

Xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Nông sản sạch luôn là nhu cầu bức thiết của toàn xã hội, thế nhưng trong bối cảnh hiện nay, nông sản sạch đang bị lẫn lộn với nông sản bẩn, kém chất lượng. Việc thiết lập và kết nối cung cầu giữa người sản xuất và người tiêu dùng để tìm đầu ra cho nông sản an toàn là điểm mấu chốt góp phần giải quyết tình trạng này, trong đó mô hình chuỗi cung ứng sản phẩm được xem là một giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản.

   Được kiểm soát từ khâu cung ứng ban đầu như vật tư nông nghiệp đến quá trình sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, đóng gói, chế biến, buôn bán và đến tay người tiêu dùng là một mô hình tiên tiến, có tính đột phá, mang lại hiệu quả bền vững, hiện được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, chuỗi thực phẩm an toàn là tập hợp các nhân tố có mối liên kết chặt chẽ, ổn định và bền vững về kinh tế,thương mại và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn về thực phẩm. Tất cả các quy trình đều áp dụng chuỗi thực hành và sản xuất tốt để tạo ra một sản phẩm an toàn có khả năng truy xuất được nguồn gốc.

   Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến hết tháng 4/2016, cả nước đã có 35 tỉnh, thành phố hình thành chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với tổng số 280 chuỗi. Các sản phẩm chính trong chuỗi là rau, quả, thịt, trứng, gạo và thuỷ sản.Các cơ sở trong chuỗi được kiểm tra định kỳ, sản phẩm từ các chuỗi được đưa vào chương trình lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng, kết quả giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm của chuỗi phần lớn đạt yêu cầu. Sản phẩm từ các mô hình chuỗi bước đầu có chỗ đứng trên thị trường, giá bán cao hơn so với sản phẩm khác.

   Quản lý an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi là nguyên tắc hàng đầu được thực hiện trong toàn bộ chuỗi từ sản xuất an toàn đến kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó giúp đảm bảo an toàn và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, xây dựng được thương hiệu một cách hiệu quả.

    Tiêu chí và cơ sở xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn:

- Phải có đầy đủ tác nhân tạo ra chuỗi, tác nhân tham gia chuỗi tùy theo quy mô của chuỗi.

- Có sự liên kết giữa những người sản xuất và người kinh doanh.

- Các cơ sở sản xuất kinh doanh phải có những điều kiện cơ bản về đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định của ngành NN&PTNT.

- Triển khai chuỗi không phải là bắt buộc mà là sự tự nguyện, các cơ sở sản xuất kinh doanh hiểu được bản chất và hiệu quả của việc xây dựng chuỗi và tự nguyện đăng ký để triển khai.

    Lợi ích khi xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn

- Đối với người nông dân, sản phẩm họ sản xuất ra có nơi tiêu thụ, sản phẩm được đánh giá đúng giá trị kinh tế, giá cả ổn định, sản lượng tiêu thụ ổn định và khi sản xuất theo chuỗi như thế này thì người nông dân phải tự liên kết lại với nhau, tạo ra mối liên kết giữa những người sản xuất với nhau trong bối cảnh hiện nay trước tình hình ở Việt Nam chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ.

- Người tiêu dùng có thể xác định được địa chỉ, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, yên tâm về chất lượng và sản phẩm sạch, giá trị sản phẩm phù hợp và xứng đáng với số tiền bỏ ra mua sản phẩm.

- Doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, giám sát được quá trình sản xuất, đảm bảo độ an toàn của sản phẩm và có thể khẳng định với người tiêu dùng đây là sản phẩm đáng tin cậy, tăng uy tín cho doanh nghiệp mình.

    Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là biện pháp cần thiết, không chỉ giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, yên tâm sản xuất và điều quan trọng hơn hết là cung cấp ra thị trường nguồn sản phẩm an toàn thực sự, được sản xuất hiện đại, được giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, từ đó củng cố niềm tin của người tiêu dùng cũng như nâng cao chất lượng nông sản sạch trên thị trường.

    Vai trò của các tác nhân tham gia chuỗi:

    Doanh nghiệp: đóng vai trò là đầu ra cho sản phẩm, nắm bắt được xu thế thị trường, yêu cầu của người tiêu dùng và để quảng bá nơi sản xuất của những sản phẩm đó. Doanh nghiệp là nơi quyết định sản xuất, xem xét thị trường để điều tiết sản xuất, tránh sự không hợp lý giữa cung và cầu. Do đó, doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng, là mấu chốt trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

    Người nông dân: Người nông dân và doanh nghiệp có vị thế, vai trò bình đẳng với nhau về vị trí, quyền lợi. Liên kết chỉ bền vững khi có sự bình đẳng về lợi ích và tuân thủ theo những nguyên tắc chung. Cơ quan nhà nước phải đứng ra phân xử nếu có mâu thuẫn giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp. Nguyên tắc để xây dựng chuỗi đảm bảo sự cân bằng và lợi ích của cả đôi bên, người nông dân phải tập hợp với nhau thành hợp tác xã, có người đại diện đứng ra bảo vệ quyền lợi khi ký hợp đồng với doanh nghiệp và người đại diện sẽ đứng ra khi có vấn đề tranh chấp giữa 2 bên, và cũng là người đại diện trước pháp luật.

    Bên cạnh đó, cần có biện pháp hỗ trợ việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó nhấn mạnh vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, tập huấn, thông tin đến rộng rãi bà con nông dân đồng thời có chính sách hỗ trợ người nông dân xây dựng các mô hình sản xuất mới, nâng cao nhận thức cho họ về lợi ích cũng như sự cần thiết tham gia chuỗi. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kỹ thuật cho người nông dân, hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, đất đai… để khuyến khích các tác nhân tham gia chuỗi. Việc kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm khi phát hiện sai phạm trong bất cứ khâu nào thuộc chuỗi, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, hình thành văn hóa kỷ luật trong việc xây dựng và duy trì thương hiệu của chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn, khuyến khích các đơn vị tham gia chuỗi, từng bước hình thành vùng sản xuất thực phẩm an toàn tập trung có kiểm soát.

    Ngoài ra, đối với các sản phẩm đã tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhưng sản phẩm không đảm bảo các tiêu chí an toàn, cần tiến hành thanh tra, kiểm tra, khảo sát thực tế chuỗi để xem các tác nhân trong chuỗi đã tuân thủ các tiêu chí theo quy trình hay chưa và có biện pháp xử lý, không để tình trạng đó lây lan làm ảnh hưởng đến các chuỗi sản xuất an toàn khác.

    Như vậy, có thể thấy việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là vô cùng cần thiết trong bối cảnh thực phẩm bẩn đang gây hoang mang cho người tiêu dùng hiện nay, và để thực hiện được mô hình này, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa người nông dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý.

 

Diệu Tâm