So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Các biện pháp phòng bệnh cho gia súc, gia cầm thời điểm giao mùa

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Thời điểm giao mùa thời tiết biến đổi thất thường ẩm độ cao, mầm bệnh trong môi trường tăng mạnh làm phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời cũng rất dễ phát sinh thành dịch do mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) có điều kiện thuận lợi để sinh sôi nảy nở, phát tán nhanh qua không khí, qua gió, qua thức ăn nước uống, vật dụng chuồng nuôi. Để chủ động phòng bệnh, người chăn nuôi áp dụng một số biện pháp sau:

   1. Về chuồng trại

   Khi thời tiết thay đổi cần chú ý che chắn chuồng trại, tránh gió lùa, nhất là những ngày có gió lạnh, giữ khô nền chuồng và có dải chất độn chuồng. Những ngày mưa, ẩm độ cao cần giữ ấm cho con vật, nhất là đối với gia súc, gia cầm non.

   Nên có hố sát trùng trước cửa chuồng nuôi, định kỳ rắc vôi bột phun sát trùng xung quanh chuồng nuôi gia súc, gia cầm.

   2. Chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm

   Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo dinh dưỡng đủ chất và lượng nhằm nâng cao sức đề kháng cho con vật, chống lại các tác động bất lợi của thời tiết hạn chế phát sinh dịch bệnh. Chăm sóc nuôi dưỡng, phù hợp với giống, lứa tuổi, tính biệt và mục đích sản xuất của từng loại gia súc, gia cầm.

   Đối với trâu bò, cân đối lượng thức ăn tinh và thức ăn thô xanh. Chú ý ủ thức ăn xanh hoặc ủ rơm với urê để dự trữ thức ăn trong những ngày mưa lạnh, mặt khác khi trâu bò ăn thức ăn ủ chua còn có tác dụng kích thích cho con vật ngon miệng ăn tốt hơn.

   Đối với lợn và gia cầm có thể bổ sung vào thức ăn, nước uống một số vitamin, khoáng chất, chất điện giải cho vật nuôi ăn trực tiếp. Bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để giúp cho con vật nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh.

   Đảm bảo đủ nước uống cho vật nuôi, nước uống bổ sung một lượng muối nhất định, cần cho uống nước sạch.

   Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn gia súc, gia cầm khi phát hiện có triệu chứng không bình thường như bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, con vật đi đứng không bình thường, thích nằm… cần tách nuôi nhốt riêng để theo dõi, kiểm tra, báo ngay cho cán bộ Thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan.

   3. Công tác tiêm phòng vắc xin

   Đảm bảo tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của Chi cục thú y, một số vắc xin cần tiêm:
    Đối với trâu bò tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng.

   Đối với lợn tiêm phòng 04 bệnh đỏ (tụ huyết trùng, phó thương hàn, đóng dấu lợn, dịch tả lợn), bệnh tai xanh, lở mồm long móng; với lợn nái tiêm thêm vắc xin leptospira, suyễn lơn; với lợn con tiêm Ecoli.

   Đối với đàn gia cầm (gà tiêm vắc xin Newcastle, Gumboro, Cúm; thủy cầm tiêm Cúm, Dịch tả).

   4. Công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc

   Thực hiện thường xuyên biện pháp vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng nuôi, khu chăn thả cụ thể như sau: Thường xuyên quét dọn, vệ sinh trong và ngoài chuồng nuôi; vệ sinh máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ 1 - 2 lần/tuần phun thuốc sát trùng tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi để tiêu diệt mầm bệnh bằng vôi bột hoặc các loại thuốc sát trùng như Benkocid, Han-Iodine, Five-Iodine, RTD-Iodine,... diện tích phun rộng cả khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh.

   Đối với các trang trại cần thực hiện tốt việc dùng các hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi. Đối với các hộ nuôi ở trong gia đình cần lưu ý hệ thống thoát nước thải ra ngoài khu dân cư nên có hệ thống biogas để bảo vệ môi trường chăn nuôi cũng như môi trường công cộng.

   5. Công tác mua bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật

   Với gia súc gia cầm có nhu cầu vận chuyển từ nơi này sang nơi khác cần thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn dịch bệnh.

   Khuyến cáo người chăn nuôi không nên mua thịt, sản phẩm, gia súc, gia cầm ốm, không rõ nguồn gốc để tiêu thụ vì dễ làm lây lan dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của hộ gia đình. Thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch của cơ quan Thú y và chính quyền địa phương.

 

http://www.haiduongdost.gov.vn