So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Fri07052024

Khám phá du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại đắk nông

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Đoàn chúng tôi lên đường đi Đắk Nông trong một chiều mưa nhưng càng gần đến Gia Nghĩa, trời càng hửng sáng. Vì thế, tâm trạng của chúng tôi trở nên hào hứng, mong ngóng được khám phá một vùng đất mới.

Nơi đây, chúng tôi cảm nhận được không khí trong lành của buổi sáng và nhấm nháp li cà phê nồng nàn của cao nguyên trong một quán cà phê nhỏ ngay bên nhà nghỉ. Cả đoàn bắt đầu lên đường để khám phá những điểm du lịch hấp dẫn của Đắk Nông. Thị xã Gia nghĩa, dù mới được thành lập nhưng đã ra dáng là một đô thị hiện đại, sầm uất với hệ thống đường giao thông được đầu tư bài bản và các khu nhà hành chính bề thế mọc lên giữa núi đồi bao la, thể hiện tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh.

Sau khi đón một số khách mời của đoàn, xe của đoàn chúng tôi lăn bánh lên đường. Rời khỏi thị xã Gia Nghĩa, chúng tôi đi theo quốc lộ 28 để đến với Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (KBTTN), điểm tham quan đầu tiên của đoàn. Điều dễ dàng nhận ra là Đắk Nông, như các tỉnh Tây Nguyên, cũng được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi, ban cho một đại ngàn xanh thẳm với trùng trùng điệp điệp núi tiếp núi rừng tiếp rừng, với những ngọn thác mê hồn giữa hoang sơ tung bọt trắng như thể hát ca với đất trời quanh năm suốt tháng. Ngoài hai khu bảo tồn thiên nhiên khá nổi tiếng là Nâm Nung và Tà Đùng, Đắk Nông sở hữu những thắng cảnh thác hùng vĩ mà không phải tỉnh Tây Nguyên nào cũng có được như thác Đrây Sáp, Trinh Nữ, Gia Long, Lưu Ly, Bảy Tầng, thác Gấu, thác Ngầm...

Một anh trong đoàn hỏi: “Nghe bảo Tà Đùng là ngọn núi hùng vĩ lắm, nó nằm phía nào đâu?”. Tôi thú thực: “Cũng chỉ nghe thôi chứ tôi chưa đến đó bao giờ”. Tuy vậy, điều tôi nhớ nhất về ngọn núi này là đỉnh cao nhất của nó là 1.982m so với độ cao trung bình của Đắk Nông là 700m (so với mặt nước biển).

Cách Gia Nghĩa khoảng 50km trên quốc lộ 28, tại xã Đắk Som (Đắk Glong), KBTTN Tà Đùng (20.338,8ha) chứa đựng nhiều điều kỳ thú, hấp dẫn... dưới tán rừng có độ che phủ lên đến 85%. Đoàn chúng tôi được Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng đón tiếp ngay tại trụ sở và được nghe giới thiệu về những tài nguyên nổi bật của vùng: KBTTN Tà Đùng nằm giữa cao nguyên Đắk Nông và cao nguyên Di Linh thuộc vùng địa lí sinh học Nam Trung bộ, là vùng phía Nam huyện Đắk G’long, giáp với tỉnh Lâm Đồng phía Tây Nam là sông Đồng Nai, phía Bắc là vùng đầu nguồn sông Sêrêpốk. Khu vực này là điểm giao thoa về địa lí và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên và khu vực miền Đông Nam bộ.

C:\Users\pc\Desktop\Capture.PNG

Chà vá chân đen, Vượn má hung, Culi nhỏ bậc cao, Hươu vàng

sống tại KBTTN Tà Đùng

Nơi đây, có sự đa dạng sinh học rất lớn, là nơi sinh sống của 1.406 loài thực vật bậc cao, thuộc 760 chi và 192 họ của 6 ngành thực vật khác nhau, trong đó, nhóm ngành thực vật hạt kín (chiếm 88,96%), sau đó là ngành dương xỉ (chiếm 9,53%), ngành có số lượng ít nhất là ngành khuyết lá thông (chiếm 0,07%). Có 89 loài có nguy cơ tuyệt chủng, chiếm 6,3% số loài, trong đó, 69 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam (2007); 28 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN như: Vù hương (Cinnamomum balansae), Giáng hương quả to (Pterocarpus macrocarpus), Thông Đà Lạt (Pinus dalatensis), Hồng quang (Rhodoleia championii) và Trầm hương (Aquilaria crassna).

Về động vật, có 573 loài động vật thuộc 38 bộ và 129 họ khác nhau (khu hệ thú: 88 loài, chim: 202 loài, bò sát: 49 loài, ếch nhái: 38 loài, côn trùng: 152 loài, cá: 25 loài, thân mềm: 19 loài). Trong đó, có 14 loài đặc hữu (thú: 3, chim: 5, bò sát: 1, ếch nhái: 3, cá: 2), 215 loài trong Sách đỏ gồm 62 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 201 loài Sách đỏ thế giới. Tiêu biểu có 2 loài thú bị đe dọa tuyệt chủng toàn cầu là Mang lớn và Bò tót, ngoài ra còn có 3 loài thú đặc hữu tại Việt Nam là voọc bạc Trung bộ, vượn má hung, chà vá chân đen. Đặc biệt, Tà Đùng là một trong 3 khu bảo vệ duy nhất của Việt Nam, hiện có loài hươu vàng còn gọi là hươu đầm lầy, đây là loài phụ đặc hữu của Đông Dương và Thái Lan, chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng do nơi sống bị thu hẹp và săn bắn quá mức. Tà Đùng cũng ghi nhận một số loài lưỡng cư đang bị đe dọa toàn cầu như loài ếch chỉ có ở miền nam Việt Nam và phía đông Campuchia. Các loài đặc trưng là Gà lôi vằn; Gà tiền mặt đỏ; Khướu đầu đen; Khướu mỏ dài; Khướu ngực đốm… Bên cạnh đó, Tà Đùng là một trong 3 khu bảo tồn duy nhất của Việt Nam hiện có loài hươu vàng (còn gọi là hươu đầm lầy) đang có nguy cơ tuyệt chủng. Mặt khác, Tà Đùng còn là 1 trong 4 vùng chim đặc hữu của Việt Nam và 1 trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới, với 202 loài thuộc 18 bộ và 45 họ khác nhau.

Theo chân những anh kiểm lâm vui tính, đoàn chúng tôi được đưa đến thăm cây đa ngàn năm tuổi.

Men theo những rẫy cà phê trĩu quả, đoàn chúng tôi tiếp tục được khám phá toàn cảnh hồ Tà Đùng. Giữa mênh mông biển nước, những quả đồi sừng sững như những hòn đảo nhỏ được kiến tạo từ đất đỏ bazan, nhìn xa xa giống như những chiến thuyền khiến chúng tôi cứ ngỡ như mình lạc giữa vịnh Hạ Long trên cao nguyên. Khung cảnh đẹp đến ngỡ ngàng khiến cho ai nấy đều sững lại mất vài giây. Cả đoàn tranh thủ chụp những bức hình vừa để lưu lại trong hành trang những hình ảnh lung linh của mây, của trời, của nước, của 47 hòn đảo lớn nhỏ, vừa lắng đọng những cảm xúc khó phai khi đắm mình trong thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ bậc nhất tại khu vực.

Tuyệt vời hơn nữa, đoàn chúng tôi còn được khám phá lòng hồ khi được đón tiếp trên một chiếc thuyền của người dân sinh sống quanh khu bảo tồn. Ngồi trên thuyền, chúng tôi cảm nhận rõ nét hơn bao giờ hết sự hòa quyện hoàn hảo của màu xanh bầu trời và màu xanh của mặt nước trong vắt. Trò chuyện với bác lái thuyền, chúng tôi hiểu hơn về cuộc sống của đồng bào nơi đây. Đến giữa hồ, đoàn chúng tôi may mắn được đi thử thuyền buồm với sự hướng dẫn cẩn thận của anh kiểm lâm. Thật vô cùng sảng khoái.

Đến Tà Đùng, du khách còn có thể cắm trại qua đêm để tận hưởng không khí của núi rừng, thám hiểm những ngọn thác hoang sơ giữa rừng già, trải nghiệm những hoạt động dưới nước như bơi lội, chèo thuyền kayak hay thuyền buồm hoặc câu cá thư giãn và thưởng thức ẩm thực địa phương, hay giao lưu với những người dân Mạ, Mông sinh sống quanh những vườn cà phê nằm thấp thoáng trong mây.

Rời Tà Đùng, chúng tôi tiếp tục khám phá một ngọn thác thiêng của Đắk Nông, thác Liêng Nung,

Nằm ẩn mình dưới một thung lũng hoang sơ trên địa bàn xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), Thác Liêng Nung đổ xuống từ độ cao 30m tạo thành cột nước trắng xoá như cuộn dây thừng khổng lồ đang cuồn cuộn giữa đại ngàn. Ngoài thác lớn nhất từ độ cao 30m đổ xuống vực sâu, thác Liêng Nung còn có nhiều dòng thác nhỏ đổ xuống suối, quanh năm tung bọt trắng xóa. Xung quanh thác còn có buôn làng người M’nông, người Mạ vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống.

Theo truyền thuyết, thác Liêng Nung là dòng thác duy nhất của dòng suối Đắk Ninh, bắt nguồn từ những khu rừng thiêng nên nước trong vắt, uống vào thì khỏe mạnh, chống lại được bệnh tật. Theo tiếng địa phương thì Liêng là thác, còn Nung là nơi nghỉ ngơi. Bởi vì, nhờ uống nước, tắm, nghỉ ngơi ở đây, nên người và súc vật mạnh khỏe, phát triển đông đúc. Tuy nhiên, vào một năm xa xưa, trời nắng hạn khiến cho không chỉ cây trồng mà cây rừng cũng bị chết rũ, thú rừng và vật nuôi bị chết khát nhiều vô kể. Chỉ riêng người và súc vật ở vùng Liêng Nung này là còn sống sót nhờ dòng thác Liêng Nung thần kỳ. Người dân quanh vùng như Đắk Đu, Đắk Măng… cũng kéo tới uống nước Liêng Nung. Thế nhưng, chỉ được một thời gian ngắn, những kẻ hung tợn từ nơi xa tới đã nổi lòng tham chiếm lấy dòng thác này. Chúng đã gây hấn, phá ống lồ ô hứng nước đang dựng dưới thác và dùng hung khí đánh đuổi mọi người. Để bảo vệ dòng nước quý, K’Ẹ - một thanh niên cường tráng, khỏe mạnh đã tập hợp trai tráng, người dân trong bon chiến đấu, đánh đuổi kẻ xâm lược suốt một ngày ròng. Cuộc hỗn chiến đã cướp đi hàng trăm sinh mạng của đôi bên và chỉ còn một mình chàng K’Ẹ sống sót. Còn lại một mình, không người thân thích, K’Ẹ buồn rầu nhìn cảnh bon làng xác xơ, xác chết ngổn ngang, nên đã lên đường đi tìm người giúp mình. Bỗng một hôm, chàng gặp một cô gái đang nằm thoi thóp bên một gốc cây khô vì khát nước, nên đưa về dòng Liêng Nung lấy nước cho uống. Kỳ lạ thay, sau khi uống nước của dòng thác, người con gái có tên là H’Dệt không chỉ khỏe ra mà còn “lột xác” trở nên vô cùng xinh đẹp. Thế là từ đó K’Ẹ và H’Dệt đã nên duyên vợ chồng. Sau khi lấy nhau, vợ chồng K’Ẹ chăm chỉ làm ăn, nên rẫy nhiều vô kể, lúa chất đầy kho. Nàng H’Dệt thì khéo tay biết làm tất cả mọi việc, từ ủ rượu cần cho đến dệt thổ cẩm, đan lát… Ít lâu sau, hai vợ chồng đã sinh được hai người con trai khỏe mạnh, đặt tên là K’Pên và K’Peo. Sau khi hai con đã biết quấn cái khố thì một hôm nàng H’Dệt xuống thác tắm và từ đấy không quay về nữa. K’Ẹ và các con đi tìm thì chỉ nghe một giọng nói thần bí từ thác vọng lại rằng: “H’Dệt là tiên được Giàng cử xuống để giúp người Mạ ở đây duy trì nòi giống, hết thời hạn nàng phải quay về trời”. Bố con K’Ẹ buồn lắm nên ngày ngày đều xuống thác những mong gặp được nàng H’Dệt, nhưng hình bóng chẳng thấy đâu, chỉ dòng thác thì hiền hòa hơn và dòng chảy ngày càng giống như mái tóc của nàng H’Dệt. Biết không thể gặp lại được H’Dệt, bố con K’Ẹ từ đó dốc sức làm ăn. Hai người con cũng lấy vợ, sinh con lập nên ba bon J N’riêng, Bu Sốp và Ting Wel Đơm tồn tại và phát triển cho đến bây giờ.

Ngày nay, bà con ở các bon N’riêng, Bu Sốp và Ting Wel Đơm ở xã Đắk Nia vẫn luôn tự hào về nguồn gốc của mình và luôn sống khăng khít, đoàn kết như anh em một nhà, vui buồn đều có nhau. Vào mỗi dịp tổ chức lễ hội Tách Năng Yô, bà con còn có lệ lấy nước ở dòng thác Liêng Nung để ủ rượu cần và nấu nước. Trâu bò trước khi làm lễ hiến sinh cho thần linh cũng được đưa xuống tắm ở thác. Riêng đối với thác Liêng Nung, luật tục của các bon đều qui định rõ, không ai được tự tiện chặt cây tại khu rừng thiêng quanh thác, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Để bảo vệ thác, bà con ở ba bon còn chia đều đất để canh tác, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi.

Khi đến đây, chúng tôi được chị Ngọc, phó chủ tịch UBND xã Đắk Nia đón tiếp. Đầu tiên, đoàn chúng tôi đến thăm nhà già làng K’Măng tại bon J N’riêng. Già làng và vợ đón tiếp chúng tôi nồng hậu trong căn nhà truyền thống. Ngồi chuyện trò cùng Già làng, chúng tôi được nghe kể về thời kỳ lập thôn, lập đất, về phong tục, tập quán của người Mạ. Chúng tôi cũng được đến thăm gia đình chị H’Bình, người góp phần lưu giữ truyền thống dệt thổ cẩm của bon. Xem chị dệt tay tỉ mỉ từng hoa văn mới thấy công sức của đồng bào phải bỏ để có được một sản phẩm truyền thống. Xã cũng đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho bà con trong các bon. Ngoài dệt thổ cẩm, các bon cũng đang hình thành nhiều nhóm nghề khác nhau như làm rượu cần, đan lát để vừa gìn giữ những nét riêng của dân tộc mình, vừa tạo điều kiện giúp bà con tăng thêm thu nhập và thu hút du khách.

Đến bữa, chúng tôi được dẫn đến nhà sinh hoạt cộng đồng để cùng thưởng thức rượu cần, cơm lam, thịt nướng và món canh thụt truyền thống của đồng bào người Mạ. Trưởng đoàn được mời lên cùng uống rượu với già làng. Món canh thụt, một trong những món ăn đặc trưng nhất của Đắk Nông được đem ra giới thiệu, Ai trong đoàn cũng muốn nếm thử hương vị đặc biệt của măng, cà đắng. Trong ánh lửa bập bùng, chúng tôi được nướng thịt, thưởng thức những ống cơm lam và cùng bà con giao lưu cồng chiêng. Anh Dương Ngọc Lang, một người đã đi khắp Tây Nguyên chia sẻ: “….Mặc dù đã đi nhiều nơi, nghe nhiều cộng đồng biểu diễn cồng chiêng, nhưng có lẽ, tại Đắk Nia, cồng chiêng mới thể hiện rõ nét nhất cái hồn của Tây Nguyên, trọn vẹn sự mộc mạc mà đầy máu lửa”.

Tiếng cồng, tiếng chiêng càng lúc càng rộn rã, những thiếu nữ, chàng trai Mạ càng múa say, cả đoàn chúng tôi cũng được hướng dẫn để cùng hòa vào trong vũ điệu cồng chiêng say đắm lòng người. Quả là một đêm khó quên. Mãi khuya, cả đoàn mới lên xe để về nghỉ ngơi chuẩn bị cho hành trình khám phá Đắk Nông ngày hôm sau.

Sáng sớm, sau ly cà phê thơm lừng, bốc khói nghi ngút, đoàn chúng tôi lại tiếp tục lên đường để đến Khu du lịch văn hóa sinh thái thác Đray Sáp - Gia Long, thuộc xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Chúng tôi đi trên con đường dốc hẹp được ken dày bởi những viên đá bazan lồi lõm khó đi, rồi lại len lỏi dưới những tán cây rừng hoang sơ mát rượi. Và đâu đó thoang thoảng mùi hương của những cánh hoa rừng hòa lẫn tiếng chim hót ríu rít, tiếng rì rào bất tận của con thác khiến lòng chúng tôi như chùng lại và thích thú trước khung cảnh hoang sơ của Khu du lịch văn hóa sinh thái thác Đray Sáp, nơi núi rừng Tây nguyên.

Mải suy nghĩ và tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của rừng, chúng tôi đã đến chân thác lúc nào không hay. Một hồ nước trong xanh mát, bên kia là những vách đá uy nghi sừng sững màu đỏ xám và những cột nước trắng xóa ầm ì bất tận trút xuống trông xa như một dải lụa trắng, một bức tranh sinh động. Khách du lịch đến đây càng lúc càng đông. Người thì tạo dáng để chụp những bức hình đẹp bên thác nước, người thì đốt củi nướng cá, gà để chuẩn bị cho một bữa picnic, thật vui nhộn, thích thú!

Đoàn chúng tôi đăng ký dịch vụ chèo thuyền kayak dưới chân thác. Các thành viên của đoàn được anh Tuấn, hướng dẫn viên của khu du lịch hướng dẫn mặc áo phao và các thao tác khi chèo thuyền. Cả đoàn ai cũng háo hức xuống thuyền để chinh phục dòng thác trong một trải nghiệm hoàn toàn mới. Mùa này, thác nước thật hùng vĩ. Cảm giác chèo thuyền trong làn nước tung trắng xóa và tiếng thác đổ ầm ầm thật là sảng khoái. Cảm giác gần gũi hơn bao giờ hết với thiên nhiên, đất trời càng làm cho chúng tôi cảm nhận rõ nét hơn sức mạnh kỳ diệu của thiên nhiên.

Người hướng dẫn viên du lịch trong đoàn kể về huyền thoại của thác Dray Sap:

“Theo truyền thuyết của người Ê Đê, thác Đray Sap có nghĩa là Thác Khói (Đray: Thác - Sap: Khói). Ngày xưa nơi đây là vùng rừng núi hoang vu, có nhiếu lâm sản quí hiếm. Có đôi vợ chồng trẻ người dân tộc Ê Đê đến vùng này hái rau, đào củ để sinh sống. Không may người chồng bị bệnh nặng; người vợ trẻ tên là Hmi phải lặn lội vào rừng sâu tìm lá cây sắc thuốc cho chồng nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Thương tiếc chồng đã mất, nàng Hmi khóc ròng suốt ngày đêm. Tiếng khóc của nàng vang vọng khắp núi rừng và làm lay động tới Giàng. Thương cho mối tình chung thủy đầy cảm động, Giàng đã tạo ra kỳ tích này để ca ngợi đức hạnh của người phụ nữ. Có lẽ vì thương tiếc chồng mà nước mắt của nàng tuôn chảy thành dòng thác và tạo ra những làn hơi khói bay là là trên mặt nước.”

Những ai muốn trải nghiệm văn hóa bản địa có thể cưỡi voi khám phá rừng hay tham gia vào chương trình giao lưu cồng chiêng, thưởng thức cá suối, rau rừng, thịt nướng,… và thư giãn khi lưu trú tại ngôi nhà dài Ê đê. Đây cũng là nơi duy nhất tại Tây Nguyên có vườn thú bán hoang dã giúp du khách tìm hiểu những loài động vật quý hiếm như sư tử, hổ, khỉ, …

C:\Users\Administrator\Downloads\Capture.3.PNG

Vườn thú bán hoang dã – nơi sinh sống của nhiều động vật quý hiếm

 

Có thể thấy tài nguyên du lịch tự nhiên của Đắk Nông là vô cùng phong phú và đặc sắc, có sức hút lớn, đầy đủ tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái nói chung và du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng nói riêng. Nếu có dịp đến Đắk Nông, bạn đừng bỏ lỡ dịp khám phá Khu du lịch văn hóa sinh thái mà đoàn chúng tôi đã được trải nghiệm.

 

ThS. Trương Thị Lan Hương

Khoa Quản trị Du lịch – Trường Đại học Đà Lạt