So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Fri07052024

Nghiên cứu Tài nguyên cây thuốc ở một số địa phương tỉnh Đắk Nông

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Tài nguyên cây thuốc là một dạng đặc biệt của tài nguyên sinh vật, thuộc nhóm tài nguyên có thể phục hồi, bao gồm hai yếu tố cấu tạo thành: cây cỏ và tri thức sử dụng chúng để làm thuốc và chăm sóc sức khỏe. Hai yếu tố này luôn đi kèm với nhau. Nếu một cây ta không biết sử dụng chúng làm thuốc thì chúng chỉ là một loài hoang dại trong tự nhiên. Ngược lại, khi loài thực vật đã biết dùng làm thuốc nhưng sau đó lại để mất tri thức sử dụng (hoặc đưa đến một nơi mà không ai biết dùng) thì nó chỉ là cây cỏ hoang dại trong tự nhiên (Bộ Y tế, 2007).

Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới WHO thì đến năm 1985 đã có gần 2.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc hoặc có hoạt chất dùng chế biến thuốc trong tổng số 250.000 loài đã biết (Farnsworth & Soejarto, 1991; Nguyễn Thượng Dong và nnk., 2006).

Tính chung trên toàn thế giới, doanh thu hàng năm từ các loại thuốc thảo dược đạt khoảng 100 tỷ USD (Nguyen, 2014). Theo dữ liệu của chương trình sàng lọc thuốc chống ung thư của Viện Y học Quốc gia Mỹ (NIH) từ 1969-1982, có 9-13% số loài cây có tác dụng ở mức độ nhất định, 1/1.000 cây cỏ có chứa các chất hóa học có khả năng đưa vào lưu hành (Trần Công Khánh, 2010).

WHO cũng công bố mức độ sử dụng thuốc ngày càng cao: Trung Quốc tiêu thụ hàng năm hết 700.000 tấn dược liệu (Nguyễn Nghĩa Thìn và nnk., 2001), sản phẩm thuốc Y học dân tộc đạt giá trị hơn 1,7 tỷ USD vào năm 1986. Tổng giá trị về thuốc có nguồn gốc từ thực vật trên thị trường Âu-Mỹ và Nhật Bản vào năm 1985 là hơn 43 tỷ USD. Tại các nước có nền công nghiêp phát triển đã tăng lên từ 335 triệu USD đến 551 triệu USD trong giai đoạn 1976-1980. Ở Nhật từ năm 1979-1980 tăng từ 21.000 tấn lên 22.640 tấn dược liệu, gần bằng 50 triệu USD (Farnsworth and Soejarto, 1991).

Một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của nước ta là cây thuốc. Việt Nam được biết là một quốc gia được thiên nhiên ưu đãi với hàng ngàn loài cây cỏ và động vật được sử dụng làm thuốc hoặc hương liệu. Tài nguyên cây thuốc Việt Nam được nghiên cứu thống kê trong những công trình của Đỗ Huy Bích và nnk. (2004), Đỗ Tất Lợi (2005), Lê Trần Đức (1997), Viện dược liệu (1993, 2017), Võ Văn Chi (2011),… Theo kết quả thống kê mới nhất, tài nguyên dược liệu Việt Nam được biết có 5.117 loài và dưới loài, thuộc 1.823 chi, 360 họ của 8 ngành Thực vật bậc cao có mạch, cùng với một số taxon thuộc nhóm Rêu, Tảo và Nấm lớn (Viện dược liệu, 2017). Thực tế, cây làm thuốc có mặt trong tất cả các nhóm thực vật bậc thấp và thực vật bậc cao. Hàng trăm loài còn được gọi là đặc hữu hoặc là nguồn gen độc đáo trong hệ thực vật Việt Nam cũng như là của thế giới, hơn 90% số loài mọc ở tự nhiên, tập trung chủ yếu trong quần xã rừng. Rừng còn là nơi có nhiều loài cây thuốc có trữ lượng lớn, giá trị sử dụng và kinh tế cao (Nguyễn Thượng Dong và nnk., 2006).

Người ta xác định được là khoảng 30% bệnh nhân ở Việt Nam được chữa trị bằng y học dân tộc, trong đó cây thuốc Nam đóng một vai trị quan trọng. Từ ngàn đời nay, 54 cộng đồng dân tộc khác nhau trên đất nước Việt Nam đã biết sử dụng những cây có sẵn để làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe (Triệu Văn Hùng, 2007). Tùy theo kinh nghiệm của từng cá nhân và cộng đồng dân tộc, trên một số cây thuốc (hoặc bộ phận cây thuốc) dùng tươi hay sau chế biến, có thể sử dụng với các công dụng khác nhau.

Bên cạnh các phương thức dùng cây thuốc theo cách cổ truyền (sắc, thuốc cao, ngâm rượu,…), từ nhiều năm nay, người ta còn chế tạo ra hàng trăm loại thuốc hiện đại, có hiệu lực chữa bệnh cao, mà nguồn gốc là các hợp chất thiên nhiên được chiết xuất từ cây cỏ (Nguyễn Thượng Dong và nnk., 2006). Nhiều thực vật được sử dụng để chế tạo các loại biệt dược sau khi người ta nghiên cứu thành phần hóa học và dược tính dựa trên các hiểu biết dân gian trước đây, ví dụ: cây hồi (Star Anise) là nguyên liệu để chế tạo thuốc Tamiflu (trị giá hàng tỷ đô la) kháng virus H5N1 gây bệnh cúm gà. Hoặc bài thuốc tắm của người Dao đã trở thành sản phẩm phổ biến trong chăm sóc sức khỏe và đem lại nguồn thu nhập quan trọng cho người dân cũng như doanh nghiệp.

Để các loài cây thuốc trở nên hữu dụng hơn trong chăm sóc sức khỏe và đem lại lợi ích kinh tế thì cần có các nghiên cứu ghi nhận kiến thức sử dụng trong dân gian, kết hợp các kỹ thuật hiện đại xác định dược tính và đi vào sản xuất. Trong nhiều năm qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu áp dụng kiến thức bản địa và tiến bộ trong công nghệ hóa dược, qua đó đã phát hiện ra hàng loạt dược chất mới, có tiềm năng chữa được nhiều chứng bệnh khác nhau, hứa hẹn tạo ra nguồn dược liệu quan trọng phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển ngành công nghiệp dược (ví dụ: Nguyễn Mạnh Cường và nnk., 2013; Nguyen Thi Huong và nnk., 2017; Hoang Le Tuan Anh và nnk., 2017). Theo Trần Công Khánh (2010), tại Việt Nam đã có 119 chất tinh khiết được chiết tách từ khoảng 90 loài thực vật bậc cao được sử dụng làm thuốc trên thế giới. 286 cơ sở sản xuất dược phẩm đang sản xuất các mặt hàng từ cây cỏ hay chất chiết xuất từ cây cỏ, 170 cơ sở sản xuất riêng thuốc đông dược. 1.294 loại dược phẩm được sản xuất từ nguyên liệu thực vật hoặc chất chiết xuất từ thực vật, chiếm 23% trong tổng số 5.577 loại dược phẩm được phép sản xuất và lưu hành 1995–2000, sử dụng 435 loài cây cỏ. Tỷ trọng dược liệu chiếm khoảng 30% nguyên liệu sử dụng trong cả nước. Cây thuốc phục vụ cho nền Y học cổ truyền được chú trọng và phát triển mạnh trong lĩnh vực sản xuất chế biến thuốc công nghiệp.

Mặc dù đã có các thành công trong việc sưu tầm và ứng dụng kiến thức y học cổ truyền ở Việt Nam, chúng ta còn đối diện với nhiều thách thức. Vẫn còn một số lượng rất lớn các loài cây thuốc được sử dụng phổ biến ở nhiều cộng đồng nhưng chưa được chú ý nghiên cứu, khai thác và phát triển. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở mỗi một khu vực hay cộng đồng nhất định lại có những kinh nghiệm và truyền thống sử dụng cây thuốc riêng biệt. Do đó, có những loài thực vật có giá trị quan trọng ở khu vực này nhưng chúng lại bị coi là bình thường ở khu vực khác. Thực tế cho thấy, vẫn còn rất nhiều kiến thức bản địa trong các cộng đồng dân tộc ít người được lưu truyền bằng lời nói hay theo kiểu cha truyền con nối, chưa được sưu tầm và nghiên cứu.

Trong khi chứa đựng nguồn tài nguyên cây thuốc giàu có như vậy, Việt Nam đồng thời cũng là một trong những quốc gia có tốc độ mất loài và mất sinh cảnh cao nhất trong vùng. Trong những năm gần đây, dưới áp lực của phát triển kinh tế và sự bùng nổ dân số nên nguồn tài nguyên rừng nói chung, cây thuốc nói riêng đang bị suy thoái nghiêm trọng. Những cây thuốc có giá trị được thương mại hoá, cung cấp cho các thầy thuốc, những công ty dược phẩm với giá thành ngày càng cao. Do vậy, chúng đang bị khai thác cạn kiệt, nhiều loài cây thuốc bị khai thác không hợp lý, quá mức, và trở nên khan hiếm. Những cây ít giá trị hoặc chưa được nghiên cứu cũng bị tàn phá nhường chỗ cho việc sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu gây trồng cây thuốc còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của thị trường cũng là nguy cơ rất lớn đối với sự tồn tại và phát triển của cây thuốc tự nhiên. Kèm theo đó là sự mất đi kiến thức bản địa về sử dụng tài nguyên cây thuốc, và hậu quả là dẫn đến sự xói mòn về truyền thống văn hóa trong cộng đồng. Sự mất mát này diễn ra âm thầm, lặng lẽ nhưng với tốc độ nhanh chóng cùng với quá trình hiện đại hóa và phát triển mạnh mẽ của xã hội. Sự thờ ơ hay thiếu nhận biết của chúng ta cũng là yếu tố quan trọng, vì vậy mà sự suy thoái của tài nguyên cây thuốc cùng với sự xói mòn kiến thức bản địa tiếp tục diễn ra. Mặt khác, việc nhận diện và định tên khoa học chính xác cho cây thuốc rất cần thiết để lựa chọn sử dụng đúng nguồn nguyên liệu cho việc chữa bệnh.  

Do đó, cần có sự đầu tư cho công tác nghiên cứu thống kê, ghi nhận và phát huy kiến thức truyền thống trong sử dụng tài nguyên cây thuốc một cách xứng đáng, không để những giá trị quý giá trong kiến thức bản địa bị xói mòn và mất đi. Các nguồn thông tin kiến thức quý giá này cần được ghi nhận, tư liệu hóa rõ ràng, chính xác để có thể ứng dụng nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức của cộng đồng và xã hội, đồng thời thúc đẩy công cuộc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển bền vững một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng của đất nước. Làm được như vậy sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các định hướng phát triển ngành công nghiệp dược liệu đã được xác định trong Hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam do Chính phủ tổ chức vào tháng 2/2017 vừa qua tại Hà Giang.

Đắk Nông là một tỉnh thuộc Tây nguyên trong quy hoạch 8 vùng trồng dược liệu theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg, ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Tài nguyên cây thuốc ở tỉnh Đắk Nông đã có trong một số tài liệu nghiên cứu như (Phạm Hoàng Hộ, 1999 - 2000 & 2006; Đỗ Tất Lợi, 2005 tuy nhiên, chưa được nghiên cứu thống kê đầy đủ; Viện dược liệu, 2004, 2017; Võ Văn Chi, 2011). Gần đây, đề tài "Điều tra nghiên cứu các cây thuốc được sử dụng trong các bài thuốc dân tộc tại Tây nguyên và các biện pháp bảo tồn" mã số TN3/T10 trong khuôn khổ Chương trình Tây nguyên 3 (Nguyễn Văn Dư, 2015) đã thống kê tổng số các loài cây thuốc được biết có ở Tây Nguyên là 1.633; trong đó, đã khảo sát kiến thức bản địa trong đồng bào Tày, Mường ở huyện Tuy Đức và đồng bào Mạ, Cho Ro, H’Mông ở huyện Đắk G’long thuộc tỉnh Đắk Nông. Thống kê của đề tài cho thấy tỉnh Đắk Nông là nơi phân bố của 127 loài cây thuốc.

Như vậy, cần có các khảo sát chuyên biệt về cây thuốc ở tỉnh Đắk Nông để có các dữ liệu và đánh giá khách quan hơn về tài nguyên cây thuốc của tỉnh. Thực tế, với diện tích rừng tương đối lớn và sự đa dạng về thành phần dân tộc cùng với kiến thức bản địa, số lượng loài cây thuốc ở tỉnh Đắk Nông có thể phong phú hơn rất nhiều. Nguồn tài nguyên cây thuốc này cần được biết đến và phổ biến rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức về một nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quan trọng của tỉnh, qua đó thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và triển khai về nguồn tài nguyên cây thuốc ở tỉnh Đắk Nông.

Thực hiện chương trình hợp tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về nghiên cứu, ứng dụng Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2017 - 2021. Theo đó, năm 2017, Viện Sinh thái học Miền Nam được giao chủ trì thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tài nguyên cây thuốc ở một số địa phương tỉnh Đắk Nông” theo Quyết định số 935/QĐ-VHL, ngày 7/6/2017 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về về việc phê duyệt danh mục và kinh phí đề tài ứng dụng công nghệ thực hiện từ năm 2017.

Đề tài này trực tiếp góp phần thực hiện các mục tiêu “bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững đa dạng sinh học trên cạn” và “tăng cường công tác truyền thông về tầm quan trọng, giá trị của nguồn tài nguyên” đã được đặt ra trong “Chương trình hành động bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đắk Nông đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” đã được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt (Quyết định số 01/2012 ngày 05/01/2012). Đồng thời, cũng phù hợp với một trong những mục tiêu ưu tiên mà Thủ tướng chính phủ đã đặt trong “Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong giai đoạn 2018 - 2025, cụ thể là thu thập, bảo tồn, đánh giá và tư liệu hóa nguồn gen đảm bảo phát triển bền vững (Quyết định 1671/QĐ-TTg ngày 28/09/2015).

Để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chủ trì và chủ nhiệm triển khai đề tài được thuận lợi, ngày 18/7/2017, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông có công văn số 379/SKHCN-QLKH về việc hợp tác nghiên cứu Khoa học Công nghệ năm 2017. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông sẽ cam kết tạo điều kiện để Viện Sinh thái học Miền Nam triển khai đề tài đạt hiệu quả.

Lê Huy Tuấn