So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương

Đánh giá:  / 0
DởHay 

    Đắk Nông là tỉnh có tiềm năng rất lớn về các sản phẩm nông nghiệp. Chính lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai và gần 80% dân số sống phụ thuộc vào nông nghiệp đã tạo nên sự đa dạng trong các sản phẩm nông nghiệp. Sản nông nghiệp của tỉnh có nhiều loại khác nhau nhưng được chia làm 3 nhóm chính với các nông sản tiêu biểu: (1) Nhóm hàng nông sản chủ lực bao gồm: cà phê, hồ tiêu, điều, cao su,…; (2) Nhóm hàng rau quả bao gồm: bơ, sầu riêng, cam quýt, măng cụt, xoài, chanh dây,…; (3) Nhóm hàng lương thực bao gồm: lúa, ngô, khoai sắn, lạc, đỗ tương,…

    Thời gian qua, công tác xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cưc, điển hình là một số nông sản đã khẳng định được thương hiệu và bắt đầu vươn đến các thị trường xuất khẩu tiềm năng. Những thành công này minh chứng rõ nét cho tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh.

    Tuy nhiên, so với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh thì số sản phẩm được bảo hộ chưa nhiều, nhất là sản phẩm có thương hiệu lại càng ít. Tính đến ngày 31/12/2019, toàn tỉnh mới có 130 đối tượng Sở hữu công nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ gồm: 110 Nhãn hiệu,14 Kiểu dáng công nghiệp và 06 Sáng chế/giải pháp hữu ích. Đối với các sản phẩm nông nghiệp, đến nay mới có 55 nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp. Do đó, các sản phẩm nông nghiệp có tính cạnh tranh trên thị trường còn thấp.

Ông Nguyễn Viết Thuật - PGĐ Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu khai mạc Hội nghị

    Nhằm góp phần nâng cao nhận thức xây dựng, phát triển thương hiệu, tạo cơ hội cho tổ chức, cá nhân tiếp cận kết nối thành công, xây dựng bảo hộ chỉ dẫn địa lý khẳng định chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương. Ngày 27/10, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị: Xây dựng, phát triển thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, tham dự Hội nghị có 60 đại biểu gồm: cán bộ các sở, ngành có liên quan; đại diện các hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

Ông Lê Tất Chiến - chuyên gia Cục SHTT trình bày tại Hội nghị

    Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, chuyên gia của Cục Sở hữu trí tuệ, VNPT Đắk Nông đã giới thiệu về: Tình hình hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ tại địa phương; quy trình, thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương; quản lý, khai thác, phát triển và bảo vệ thương hiệu đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương; vai trò tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu, tạo chuỗi nông sản có giá trị...

    Hội nghị đã nêu lên thực tiễn quản lý chỉ dẫn địa lý về nông sản và đề xuất hướng phát triển chỉ dẫn địa lý hồ tiêu Đắk Song - Đắk Nông; giải pháp quản lý, phát triển thương hiệu, vấn đề bảo hộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nông sản chủ lực.

Cán bộ Sở KH&CN phổ biến văn bản về Truy xuất nguồn gốc sản phẩm 

    Cùng với đó, các đại biểu được nghe cán bộ của Sở khoa học và Công nghệ phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về truy xuất nguồn gốc, khái quát hệ thống truy xuất nguồn gốc, lợi ích truy xuất nguồn gốc…

Đức Thuần