So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Sat04272024

Dự án luyện nhôm Đắk Nông: Sẽ mang lại sự đột phá cho kinh tế của tỉnh

Đánh giá:  / 0
DởHay 

Dự án luyện nhôm Đắk Nông: Sẽ mang lại sự đột phá cho kinh tế của tỉnh

Theo kế hoạch, đầu tháng 9 năm nay, Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông (Dự án luyện nhôm) do Công ty TNHH Thương mại Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư sẽ chính thức được khởi công tại Khu công nghiệp Nhân Cơ (Đắk R’lấp). Với tính chất quan trọng của dự án, hiện tại, các ngành, các cấp của tỉnh đang khẩn trương thực hiện các phần việc liên quan để đảm bảo cho công trình thi công đúng tiến độ.

 

 Sẽ đưa lại hiệu quả kinh tế, xã hội lớn

 
Tại buổi làm việc với chủ đầu tư mới đây, đồng chí Lê Diễn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh, đây là dự án luyện nhôm đầu tiên của Việt Nam và do một doanh nghiệp tư nhân trong nước trực tiếp đầu tư nên có vai trò rất quan trọng không chỉ với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Nông, mà còn với cả nước nói chung.
 
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khảo sát tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R'lấp)
 
Trong đó, ngoài việc giải quyết được vấn đề giao thông cho việc không phải vận chuyển alumin đi xa, dự án còn góp phần tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.700 lao động trong và ngoài tỉnh. Dự án cũng sẽ là điểm đột phá trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng của ngành nông, lâm nghiệp và đóng góp lớn nộp ngân sách.
 
Đặc biệt, với công suất của nhà máy là 450.000 tấn/năm thì sau khi đi vào hoạt động, dự án còn góp phần cung cấp 1/4 sản lượng nhôm cho nhu cầu tiêu thụ ở trong nước.
 
Ông Trần Hồng Quân, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Trần Hồng Quân cho biết: “Công nghệ điện phân nhôm đã được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận là một công nghệ mới. Sản phẩm của công nghệ được xem là một sản phẩm công nghệ cao. Vì vậy, với sự ra đời của nhà máy nhôm hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo các nhà đầu tư tham gia phát triển ngành nhôm như xây dựng các nhà máy linh kiện ô tô, xe máy, các nhà máy nhôm cuộn dùng trong sản xuất lon bia, nhôm thanh để sản xuất khung cửa… Sản phẩm của nhà máy sẽ dần thay thế các sản phẩm nhập khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hóa của các ngành nghề. Đây cũng là điểm thôi thúc kiện toàn chuỗi bô xí - alumin - nhôm và hoàn thiện mắt xích kết nối chuỗi ngành công nghiệp nguồn với các ngành công nghiệp phụ trợ khác”…
 
Dự án được ưu đãi đầu tư đặc biệt
 
Theo Quyết định số 822/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt cơ chế, chính sách áp dụng đối với Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông ký ngày 30/5/2014 thì dự án này thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Căn cứ theo quyết định thì dự án sẽ được ưu đãi về thuế doanh nghiệp, thuế nhập khẩu.
 
Trong đó, nhà đầu tư sẽ được miễn thuế 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo và áp dụng mức thuế suất 10% trong 30 năm. Ngoài ra, dự án còn được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án.
 
Dự án cũng sẽ được áp dụng với giá điện là 1.052 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương với 5,0 cent/kWh) trong 10 năm đầu kể từ thời điểm nhà máy đi vào hoạt động. Giá điện cũng sẽ được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá Việt Nam đồng/USD.
 
Sau giai đoạn trên, giá điện sẽ được áp dụng theo nguyên tắc giá thị trường có tính đến đặc thù của công nghiệp điện phân nhôm, đảm bảo cho dự án thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý… Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm đầu tư đồng bộ lưới điện mạch vòng 220kV đến Trạm biến áp, đảm bảo cung ứng điện ổn định cho dự án. Về phía Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cũng sẽ chịu trách nhiệm cung cấp alumin ổn định, lâu dài và đảm bảo chất lượng, khối lượng, đáp ứng nhu cầu của dự án theo giá đã thỏa thuận…
 
Tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư
 
Với tầm quan trọng đó của dự án, để tạo điều kiện triển khai thi công đúng tiến độ, trước mắt, chủ trương của tỉnh là sẽ làm thủ tục xin ứng vốn 47 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của địa phương, phục vụ cho việc đền bù giải tỏa, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.
 
Theo đó, hiện nay, UBND huyện Đắk R’lấp đã thực hiện xong việc rà phá bom mìn và phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng của giai đoạn I, với tổng kinh phí là 20,7 tỷ đồng và tổng diện tích là 26 ha, với 42 hộ dân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, diện tích đất do Nhà máy Alumin Nhân Cơ bàn giao cũng đã được khoảng 21ha.
 
Ở giai đoạn II, việc giải phóng mặt bằng của dự án cũng dự kiến vào khoảng 40 tỷ đồng để đền bù cho 24 hộ dân, với diện tích khoảng 60 ha, thời gian thực hiện trong 60 ngày, kể từ ngày UBND tỉnh cho phép thẩm định và phê duyệt phương án. Vì vậy, theo UBND huyện Đắk R’lấp nếu kinh phí bồi thường được bố trí kịp thời thì thời gian bàn giao mặt bằng thô sẽ đáp ứng được một phần cho kế hoạch khởi công của nhà đầu tư.
 
Đường giao thông chính vào nhà máy của dự án có chiều dài 2,4 km, đường cấp III miền núi có 4 làn xe, mặt đường rộng 13m, với tổng mức đầu tư là 181 tỷ đồng. Hiện nay, hồ sơ đã được Sở Giao thông - Vận tải hoàn thiện. Trong giai đoạn I, dự kiến công trình sẽ được phân kỳ đầu tư 145 tỷ đồng, mặt đường rộng 7,5m. Đơn vị chức năng cũng đã sửa chữa, nâng cấp xong tuyến đường dân sinh đến cổng Khu công nghiệp bằng cấp phối đồi, đảm bảo phục vụ cho công tác thi công dự án nhà máy.
 
Tuy nhiên, do tính chất cấp bách của dự án cũng như để đảm bảo cho việc vận chuyển của những xe siêu cường, siêu trọng nên UBND tỉnh cũng sẽ kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để chỉ định nhà thầu thi công tuyến đường này trong thời gian sớm nhất. Nguồn điện phục vụ cho thi công công trình cũng sẽ được UBND tỉnh phối hợp với Sở Công thương để trực tiếp ra làm việc với Tổng Công ty Điện lực miền Trung về nguồn vốn đầu tư và có cơ chế thi công nhanh nhất…
 
Theo Đắk Nông Online