So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Sat05182024

Hội đồng đánh giá,xét duyệt thuyết minh đề tài cấp tỉnh: "Nghiên cứu,ứng dụng một số giải pháp khoa học,tổng hợp để tái canh sớm cây cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông"

Đánh giá:  / 0
DởHay 

    Ngày 13/01/2015, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đăk Nông đã tổ chức Hội đồng khoa học đánh giá, xét duyệt đề tài "Nghiên cứu, ứng dụng một số giải pháp khoa học, tổng hợp để tái canh sớm cây cà phê tại Đăk Nông"do Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đăng ký chủ trì, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy làm chủ nhiệm. Thời gian thực hiện 36 tháng (từ  01/2015 - 12/2017). Tổ chức phối hợp chính thực hiện đề tài là Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Đăk Nông.

    Tại Đăk Nông, cà phê là loại cây trồng chủ lực, cây kinh tế mũi nhọn với diện tích chiếm trên 60% diện tích cây công nghiệp lâu năm của tỉnh. Trong những năm gần đây diện tích cà phê tăng nhanh, nếu như năm 2010, diện tích cà phê toàn tỉnh là 75.946 ha, thì đến hết năm 2013 diện tích này đã tăng lên gần 117.000 ha, đóng góp hơn 60% giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, chiếm tỷ trọng hơn 40% GDP của tỉnh.

    Tuy có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng hiện tại một diện tích lớn cây cà phê ở Tây Nguyên nói chung, Đăk Nông nói riêng đang có một tỷ lệ lớn cằn cỗi, năng suất giảm nghiêm trọng. Theo Sở NN&PTNT Đăk Nông, đến năm 2020, có khoảng gần 25.000 ha cà phê sẽ không cho thu hoạch, hoặc thu hoạch với năng suất, chất lượng thấp. Những vườn cây có độ tuổi trên 20 năm, năng suất đạt thấp, sinh trưởng kém và không có khả năng cưa đốn phục hồi hay ghép cải tạo, chiếm tỷ lệ cao. Nếu không có kế hoạch và triển khai thực hiện tốt chương trình tái canh, đến năm 2020, hầu hết diện tích cà phê  sẽ bước sang già cỗi.

    Đến nay, cũng chưa có nhiều nghiên cứu về các tác nhân gây vàng lá thối rễ cà phê tái canh, biện pháp áp dụng mang tính đơn lẻ và tự phát nên hiệu quả không cao. Vì vậy xác định tác nhân chính gây hại trong đất ở từng vùng cụ thể, từ đó đề xuất hướng quản lý phù hợp là cần thiết. Mục tiêu chính của đề tài nhằm xác định được các tác nhân gây chết cây cà phê tái canh, từ đó đề xuất, xây dựng thành công mô hình tái canh sớm cây cà phê sau 9 - 12 tháng tại Đăk Nông đạt tỷ lệ cây sống  trên 80%.

    Có thể nói, quy trình tái canh sớm cây cà phê có hiệu quả sẽ hạn chế được thiệt hại cho sản xuất cà phê, nâng cao hiệu quả đầu tư cho sản xuất, phục vụ chương trình tái canh của Bộ NN&PTNT; Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hạn chế ô nhiễm môi trường và phục vụ sản xuất cà phê bền vững của tỉnh. Đồng thời, bất kỳ người dân nào cũng có cơ sở để áp dụng quy trình vào sản xuất, cũng như chủ động phòng chống dịch hại vào bất cứ khi nào chúng xuất hiện. Bên cạnh đó, các chế phẩm sinh học trừ dịch hại trong đất có ưu thế an toàn sinh thái và thân thiện với môi trường, với người sử dụng nên có thể cạnh tranh với thuốc hóa học độc hại.

 

Tin: Lê Hoàng