So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Wed07032024

Anh Đào Xuân Hiển và hiệu quả từ mô hình đa cây ở thôn Thuận Hạnh

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của thôn chỉ đạt 19 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2014 đạt gần 33 triệu đồng. Số hộ nghèo trong thôn giảm còn 15 hộ. 

   Với quyết tâm làm giàu, sau hơn 10 năm cần cù, sáng tạo, đến nay mỗi năm gia đình anh Đào Xuân Hiển ở thôn Thuận Trung xã Thuận Hạnh (Đắk Song) thu lời gần 1 tỷ đồng từ mô hình kinh tế đa cây.

  Sau khi rời quân ngũ, anh Hiển theo gia đình đi kinh tế mới tại xã Thuận Hạnh. Năm 1997, anh Hiển trồng 2 ha cà phê, đến năm 2000 cà phê xuống giá khiến nhiều hộ gia đình chặt bỏ và chuyển sang trồng giống cây khác. Tuy đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhưng anh Hiển vẫn quyết giữ vườn cà phê của gia đình và vận động bà con không nên chặt phá.

   Trước thực trạng cà phê được mùa rớt giá, anh Hiển nhận thấy, nếu trồng độc canh cà phê thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá cả, vì vậy, anh mạnh dạn trồng xen 100 cây sầu riêng trong vườn. Anh Hiển cho biết: “Sầu riêng là loại cây lâu năm, kỹ thuật canh tác cũng khá giống với cà phê. Tôi có thể làm cỏ, bón phân cho cà phê và sầu riêng cùng lúc”.

   Năm 2006, cà phê được giá trở lại cũng là lúc sầu riêng cho thu hoạch. Theo anh Hiển, so với vườn cà phê độc canh thì năng suất vườn xen canh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

   Thành công đã nằm trong tay, anh Hiển tiếp tục tích góp tiền mua thêm đất trồng hồ tiêu, bơ boot. Đến nay, anh đã có gần 4.500 trụ tiêu, trong đó có hơn 1.000 trụ kinh doanh và 120 cây bơ boot…Vụ mùa năm 2014-2015, gia đình anh thu được 5 tấn hạt tiêu khô; 8 tấn cà phê nhân; 13 tấn sầu riêng và gần 300 triệu đồng tiền bán quả bơ, trừ hết chi phí đầu tư, anh thu lời gần 1 tỷ đồng.

   Ngoài nguồn thu trên anh còn ươm cây giống để bán, tăng thu nhập. Hàng năm, mô hình của gia đình anh đã giải quyết việc làm mùa vụ cho gần 20 lao động địa phương.

   Thôn Thuận Trung có 215 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc có 19 hộ. Đầu năm 2007, anh Hiển được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư chi bộ thôn. Với vai trò là một Bí thư chi bộ, anh Hiển luôn chủ động giúp đỡ mọi người những lúc khó khăn cũng như trong làm ăn, phát triển kinh tế.

   Đặc biệt, với tư tưởng tiến bộ, mạnh dạn trong làm ăn, anh Hiển là tấm gương khiến nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong thôn nể phục và làm theo. Không chỉ vận động, giúp đỡ người dân về nguồn vốn, giống cây trồng, với kinh nghiệm của mình, anh Hiển còn tận tình hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và các quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại đối với vườn xen canh.

   Nhờ đó, bà con thôn Thuận Trung đã mạnh dạn phá thế độc canh của một số loại cây trồng, chuyển sang những mô hình đa cây bền vững. Toàn thôn hiện có 165 ha cà phê, 38 ha hồ tiêu, 66 ha rau màu các loại và nhiều loại cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bơ boot, cam…Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của thôn chỉ đạt 19 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2014 đạt gần 33 triệu đồng. Số hộ nghèo trong thôn giảm còn 15 hộ.

   Ông Phạm Văn Công, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thuận Hạnh, cho biết: “Là một đảng viên dám nghĩ, dám làm, anh Hiển đã vượt qua khó khăn, gian khổ, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất cho hiệu quả cao, bền vững. Với những suy nghĩ và việc làm tích cực của mình, anh Hiển đang nêu gương trong công cuộc xây dựng quê hương giàu mạnh”.

 

Nguồn : Báo Đắk Nông