So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Đắk Nông đề phòng khả năng hạn hán, thiếu nước sản xuất cuối năm 2015 đến nửa đầu năm 2016

Đánh giá:  / 0
DởHay 

      Theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông thì cả nước nói chung và Đăk Nông nói riêng trong những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016 đều chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino hết sức khốc liệt. Mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN).

       Lượng mưa ở  khu vực Tây Nguyên từ tháng 9/2015 đến tháng 02/2016 có khả năng thấp hơn so với TBNN khoảng 20 - 50%. Riêng Đắk Nông, mùa mưa cũng có khả năng kết thúc sớm hơn so với TBNN (khoảng tuần 3 của tháng 10) và có nhiều biến động, mưa lớn cục bộ trên các địa phương có cùng một phân vùng khí hậu, nền nhiệt độ đạt xấp xỉ và cao hơn so với TBNN.                                                    

       Từ tháng 12/2015 đến tháng 02/2016, dòng chảy trên các sông suối sẽ giảm dần và có khả năng thiếu hụt so với TBNN phổ biến từ 20 - 40%. Do thiếu hụt dòng chảy trên các sông suối, nên trong những tháng đầu mùa khô 2015 - 2016 tình trạng khô hạn, thiếu nước có khả năng xảy ra sớm và với quy mô rộng hơn nhiều so với các năm trước đây.       

       Cùng với tình hình biến động của thời tiết, dòng chảy có khả năng không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp vụ Hè thu 2015 và vụ Đông xuân 2015 - 2016. Do đó, có khả năng sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước vào cuối năm 2015 đến nửa đầu năm 2016.

Cánh đồng mẫu tại xã Buôn Choah huyện Krong Nô.

       Để giảm thiểu thiệt hại do hạn hạn gây ra, chúng ta phải triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ, đặc biệt lưu ý sử dụng tiết kiệm nguồn nước của các hồ chứa và thực hiện một số nội dung sau:

       Thứ nhất, cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nhận định đánh giá cụ thể cho từng công trình, từng khu tưới, chủ động thực hiện các phương án tích nước hồ chứa phù hợp, đảm bảo đạt dung tích tối đa vào vụ sản xuất Đông Xuân.

       Thứ hai, phải tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý khai thác với chính quyền địa phương (UBND các huyện, xã, phường, thị trấn) để nắm bắt lịch gieo cấy. Trên cơ sở đó, đề xuất địa phương điều chỉnh kế hoạch gieo cấy phù hợp với tình hình nguồn nước. Đồng thời, lập kế hoạch chi tiết triển khai các phương án cấp nước, thông báo đến các huyện, xã các tổ chức hợp tác dùng nước.

       Thứ ba, xây dựng và triển khai các phương án phòng, chống, khắc phục hạn hán, thiếu nước ngay từ đầu vụ. Dùng bao tải đất đắp nâng cao ngưỡng tràn lên từ 10 - 15cm nhằm tăng khả năng tích trữ nước. Đặc biệt đối với các vùng nóng thường xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước hàng năm.

       Thứ tư, đối với các hồ chứa: Thường xuyên kiểm tra đánh giá mực nước tại các công trình hồ chứa triển khai tích trữ nước sớm, bằng nhiều biện pháp như đóng chặt các cửa phai đóng mở điều tiết tại các Cống đầu mối, kết hợp dùng bao tải đất đắp nâng cao mực nước lên từ 10 - 15cm tại vị trí ngưỡng tràn, tăng khả năng tích trữ nước; Đối với các đập dâng: Tận dụng tiết kiệm tối đa nguồn nước, vận động nhân dân gieo sạ sớm, chọn cây trồng ngắn ngày, phù hợp với nguồn nước và tình hình thời tiết của từng khu vực. Đắp thêm các đập dâng nước tạm thời tại các suối để dẫn nước tưới khi xảy ra hạn hán; Đối với các hệ thống trạm bơm: Triển khai sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế máy móc và các thiết bị hư hỏng, đồng thời nạo vét, khơi thông cửa vào các bể hút trạm bơm. Xây dựng lịch điều tiết bơm tưới cụ thể cho từng khu vực diện tích, dựa vào điều kiện thời tiết nhu cầu dùng nước của địa phương; Đối với hệ thống kênh mương: Thường xuyên phát dọn, nạo vét và khơi thông dòng chảy, triển khai sửa chữa khắc phục kịp thời các vị trí hư hỏng, không để thất thoát, lãng phí nguồn nước.

       Thứ năm, điều tiết vận hành nước tưới cho lúa: Cần thường xuyên kiểm tra nhu cầu dùng nước của đơn vị, hộ dùng nước, xây dựng lịch điều tiết, áp dụng biện pháp điều tiết nước tưới luân phiên, cung cấp nước cho từng công trình, khu vực diện tích cụ thể theo thời kỳ sinh trưởng, phát triển.

       Thứ sáu, Điều tiết nước tưới cho rau, màu, cây công nghiệp dài ngày: Hạn chế điều tiết xả nước các hồ chứa thời điểm đầu vụ để cân đối đảm bảo nước tưới thời điểm cuối vụ.

       Thứ bảy, vận động, tuyên truyền người dân thực hiện tưới tiết kiệm, không tự ý vận hành đóng mở thiết bị vận hành điều tiết nước. Vận động người dân chủ động đắp lại bờ thửa, giữ nước chống thất thoát, tranh thủ tận dụng tối đa nguồn nước, thực hiện gieo cấy đúng thời vụ. Tập trung điều tiết nước vào ruộng theo đúng lịch tưới luân phiên.

Nguyễn Mai