So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Tình hình sản xuất và kinh doanh giống cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Đánh giá:  / 0
DởHay 

       Đắk Nông là một trong những tỉnh trọng điểm phát triển cây mắc ca của Tây Nguyên và cả nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trước những thông tin không chính thức cho rằng mắc ca là “cây tỷ đô” hay “hoàng hậu quả khô” mang lại giá trị kinh tế lớn nên bà con đổ xô vào trồng cây mắc ca khiến nhu cầu và giá cây giống tăng cao. Trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại giống mắc ca, có cả giống người dân tự trồng, tự ươm và chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận vẫn bày bán tràn lan. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, hiện nay, các Sở, Ban, Ngành đã và đang vào cuộc nhằm quản lý chặt chẽ nguồn giống mắc ca, với một số kết quả ban đầu như sau:

       Về tình hình gieo ươm, kinh doanh giống và phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh, qua rà soát, kiểm tra trên địa bàn tỉnh có tổng số 09 cơ sở gieo ươm, kinh doanh giống cây mắc ca, trong đó nhiều cơ sở chưa được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ( 6/9 cơ sở). Với 06 cơ sở đang hoạt động và 03 cơ sở hiện tại đã tạm dừng hoạt động bán cây mắc ca.

 

Kiểm tra vườn ươm mắc ca tại huyện Tuy Đức.

        Hiện số lượng cây mắc ca còn lại tại các vườn các cơ sở gieo ươm là không nhiều, một số cơ sở cây giống mắc ca đã xuất bán hết (như các cơ sở tại huyện Đắk R’lấp, Đắk Mil), tổng số lượng cây giống mắc ca tại các cơ sở gieo ươm, kinh doanh khoảng 247.900 cây, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Tuy Đức, các địa phương khác số lượng là không đáng kể.

       Về nguồn gốc, chất lượng giống cây mắc ca: Chỉ có 1/9 cơ sở (Phú Nông, huyện Tuy Đức ) cung cấp được đầy đủ các hồ sơ thủ tục có liên quan như giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, nguồn gốc lô giống, còn lại hầu hết các cơ sở gieo ươm, kinh doanh giống cây mắc ca trên địa bàn tỉnh không cung cấp được các hồ sơ thủ tục có liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp và chủng loại giống cây mắc ca (8/9 cơ sở), một số cơ sở còn lại sử dụng cây giống mắc ca thực sinh để kinh doanh, buôn bán ra thị trường (thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk Song).

       Tổng diện tích đã trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh khoảng 800ha, trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Tuy Đức với khoảng 450ha, huyện Đắk G’long khoảng 300ha còn lại thuộc các địa phương khác: về giống cây mắc ca đưa vào trồng, theo báo cáo của các địa phương một số được hỗ trợ từ các chương trình khuyến nông, dự án hỗ trợ cây giống, còn lại do tổ chức, cá nhân mua tại các cơ sở gieo ươm trên địa bàn tỉnh, ngoài tỉnh (chủ yếu từ Đắk Lắk).

       Một số cơ sở gieo ươm, kinh doanh giống mắc ca không đảm bảo chất lượng theo quy định đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt. Ngoài ra, với cơ sở chỉ gieo ươm mắc ca để phục vụ sản xuất, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo đơn vị chỉ nên sử dụng các giống mắc ca có năng suất, chất lượng cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận để gieo ươm. Đối với các cơ sở gieo ươm, kinh doanh giống cây mắc ca đang hoạt động mà không đảm bảo điều kiện, chất lượng theo quy định, không có nguồn gốc xuất xứ, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã sẽ đình chỉ hoạt động và xem xét thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nếu có, đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định.

       Nhìn chung, số lượng của các cơ sở gieo ươm, kinh doanh giống mắc ca trên địa bàn tỉnh là không nhiều, và chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, có quy mô hộ gia đình, chất lượng cây giống chưa đảm bảo.

       Nhằm hạn chế những thiệt hại về kinh tế cho người dân, thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn các tổ chức, người dân một số biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca trên địa bàn, khuyến cáo bà con chỉ sản xuất, kinh doanh và trồng các giống cây mắc ca đã được nhân giống vô tính từ các dòng có năng suất, chất lượng cao đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Cụ thể, đến thời điểm hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận chín giống mắc ca gồm giống: 842, 741, 900, 800, 695, OC, 246, 816, 849, đặc biệt là các giống đã được khảo nghiệm tại Tây Nguyên như giống 246, 816, OC, 849 và chỉ nên mua giống tại những đơn vị có uy tín về sản xuất giống mắc ca, có địa chỉ rõ ràng. Trên một vườn trồng mắc ca nên chọn từ hai đến ba giống khác nhau để các giống thụ phấn chéo khi ra hoa giúp tăng năng suất, sản lượng. và chỉ trồng mắc ca trong quy hoạch theo phương thức trồng xen, còn ngoài vùng quy hoạch chỉ nên làm điểm, mô hình và quy mô nhỏ. Mặt khác, phải sớm xây dựng những vườn mắc ca đầu dòng để tạo được nguồn cây giống tốt nhất phục vụ nhân dân. Ngoài ra, các Sở, Ban, Ngành theo chức năng nhiệm vụ phối hợp các địa phương tiến hành kiểm tra chặt chẽ hoạt động mua, bán các loại giống cây trồng trên địa bàn, nhất là giống cây mắc ca, nếu phát hiện những đơn vị, cá nhân nào bán cây giống không bảo đảm chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.

 

Phạm Văn Đức