So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết

Đánh giá:  / 0
DởHay 

    Tại Hội thảo hợp tác phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đắk Nông năm 2015 mới được tổ chức gần đây tại thị xã Gia Nghĩa, đại diện nhiều cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, doanh nghiệp cũng như người dân đã nêu ra nhiều khó khăn, hạn chế cần được ngành chức năng, địa phương trong tỉnh tập trung tháo gỡ.

Hệ thống đường giao thông tại Khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh còn chưa hoàn thiện

    THIẾU TÍNH ĐỒNG BỘ VỀ CƠ CHẾ, PHỐI HỢP

    Theo ông Tô Minh Triết, cán bộ quản lý chương trình VietGap của Trang trại Gia Trung, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) thì trang trại  hiện có khoảng 62 ha sầu riêng, trong đó có 35 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Hàng năm, sản lượng ước tính của trang trại vào khoảng 400 tấn, với giá bán dao động từ 20.000-23.000 đồng/kg tại vườn thì chủ trang trại có doanh thu ổn định gần 10 tỷ đồng.

    Anh Triết nhấn mạnh: “Qua nhiều năm tích lũy, trang trại cũng chưa thể đầu tư xây dựng hệ thống nhà bảo quản bởi số vốn lớn lên đến hàng chục tỷ đồng. Do không bảo quản được nên giá bán không cạnh tranh, nếu như đầu tư được nhà bảo quản thì chắc chắn khi “lệch” mùa thu nhập sẽ cao hơn rất nhiều. Thêm nữa, hiện nay, xu thế thời tiết thay đổi thất thường nhưng trang trại vẫn không đủ vốn để đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước bởi vốn quá lớn. Cho đến nay, sự hợp tác, hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhà khoa học về vốn, kỹ thuật cho trang trại là quá ít ỏi, chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất bền vững”.

    Tương tự, ông Nguyễn Hữu Song, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Giao nhận- Dịch vụ Thiên Hồng cũng cho biết: “Tôi đã được UBND tỉnh ký quyết định cho đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chế phẩm sinh học trồng rau, hoa, nuôi cá tại Khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Nhưng hiện nay, tôi vẫn băn khoăn là đất đai được UBND tỉnh cho thuê hay giao. Bản thân tôi thì muốn được giao đất để làm cơ sở cho việc thế chấp vay vốn về sau. Hơn thế, qua quá trình đầu tư ban đầu tại đây, tôi thấy hệ thống điện, nước chưa được tỉnh đầu tư đồng bộ nên gây khó khăn cho các nhà đầu tư”.

    CẦN NHỮNG ĐIỂM NHẤN

    Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đã đánh giá cao những tiềm năng, lợi thế của tỉnh về khí hậu, đất đai, thuận lợi giao thương với các tỉnh, thành phố lớn khác. Tuy nhiên, không ít đại biểu vẫn băn khoăn rằng tỉnh đang phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo kiểu dàn trải, nhiều sản phẩm không thật sự là thế mạnh có tính độc đáo.

    Ông Nguyễn Quang Thạch, Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Thành Phố Hồ Chí Minh) cho rằng, tỉnh cần tập trung đánh giá lại thế mạnh thật sự điển hình, khác biệt của mình gắn với các hoạt động đánh giá nhu cầu thị trường nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Ví dụ, đối với hoa, rau thì khó mà cạnh tranh chung chung với Đà Lạt mà nên tìm cho mình sản phẩm hoa nào, rau nào làm nên cái riêng của Đắk Nông để có kế hoạch hợp tác rõ ràng với các đơn vị nghiên cứu thì mới mong mang lại hiệu quả cao được.

    Còn ông Trương Bình Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Đà Lạt (Lâm Đồng) thì lưu ý: Khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đã đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa thể hiện được vai trò hàng đầu trong nghiên cứu, xây dựng, trình diễn các mô hình cây, con phù hợp. Qua nhiều năm công tác tôi thấy rằng, vai trò của các viện, trường, trung tâm nghiên cứu là vô cùng quan trọng như những đầu tàu để đưa khoa học, kỹ thuật vào ngành nông nghiệp, được nông dân học tập, ứng dụng. Đầu tiên là ở các mô hình trình diễn, rồi chuyển giao ra đại trà, vai trò sản xuất, cung ứng giống, dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp đầu ngành của tỉnh là ở Khu nông nghiệp công nghệ cao.

    Để làm được điều này thì qua hoạt động liên kết, hợp tác, Đắk Nông cần quan tâm đúng mức tới việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao. Trước hết đối với Khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh phải có được những cán bộ hàng đầu nghiên cứu, triển khai các mô hình thí nghiệm rồi đưa mô hình ra hiện trường đồng, ruộng, vườn; tiếp đến là phát triển hệ thống cán bộ nông nghiệp, khuyến nông cơ sở đáp ứng được nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao...