So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Du lịch sinh thái tỉnh Đăk Nông: cơ hội và thách thức

Đánh giá:  / 0
DởHay 

    Đăk Nông là tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Nam khu vực Tây Nguyên, là đầu mối giao lưu giữa các địa điểm nổi tiếng về du lịch như: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Mũi Né, các tỉnh đồng bằng Nam Bộ và các tỉnh duyên hải Miền Trung… Ngoài ra, Đắk Nông nằm ở cửa ngõ của 3 nước Đông Dương (Campuchia - Lào - Việt Nam) với 2 cửa khẩu chính là Bu Prăng và Đăk Perr, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển các tuyến du lịch nước ngoài, đặc biệt là Campuchia, Thái Lan và một số nước Đông Nam Á khác. Đăk Nông là địa điểm lý thú cho du khách trải nghiệm các hình thức du lịch, trong đó có du lịch sinh thái và là cơ hội để tài nguyên du lịch Đăk Nông phát huy nhiều tiềm năng phát triển.

Thác Đắk Glun tại Đắk Buk So huyện Tuy Đức

     Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hoá bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương. Loại hình du lịch này còn khá mới mẻ, mang đậm chất thiên nhiên thể hiện qua các đặc điểm đặc trưng của tỉnh như sau:

    Về vị trí địa lý: Đăk Nông nằm trên cao nguyên M’nông, có độ cao trung bình khoảng 600-700m, diện tích tự nhiên 6.516,9 km2.

     Về điều kiện khí hậu: Khí hậu Đăk Nông khá ôn hòa, mát mẻ quanh năm, mang tính chất nhiệt đới với hai mùa mưa và mùa khô rõ rệt.

    Về địa hình: Địa hình chia cắt mạnh, đồi núi xen kẽ những thung lũng nhỏ hẹp, nhiều thác nước hùng vĩ, hoang sơ… Đăk Nông có địa hình bị chia cắt mạnh, với nhiều núi cao hiểm trở, nối liền với các cao nguyên rộng lớn, dốc thoải, lượn sóng, khá bằng phẳng, xen kẽ các dải đồng bằng thấp trũng  dọc theo các sông Krông Nô, sông Srêpốk. với khung cảnh thiên nhiên còn giữ được nhiều nét hoang sơ.

    Về nguồn tài nguyên nước dồi dào được khai thác tiềm năng về thủy điện, tạo nên những hồ chứa rộng lớn dưới chân các ngọn đồi, là nhưng địa điểm thiên nhiên đầy lý thú, yên bình cho du khách tham quan.

    Về tài nguyên rừng của Đăk Nông rất đa dạng, diện tích rừng lớn (hơn 380.000 ha), trong đó, đất có rừng sản xuất (kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng) là 227.718 ha, rừng phòng hộ là 37.500 ha, rừng đặc dụng 29.258 ha. Rừng là nguồn tài nguyên quý của tỉnh, với hệ động thực vật đa dạng về chủng loại, vừa có gái trị về kinh tế, vừa có giá trị về mặt du lịch và phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn. Hệ sinh thái đa dạng sinh động, đặc biệt là hệ sinh thái rừng, với các khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung (25.000 ha), Tà Đùng (28.000 ha) với hệ sinh thái động thực vật phong phú, hiện có nhiều loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ như voi, gấu, hổ, báo, bò tót, khỉ…và nhiều cảnh quan, thác nước đẹp, kỳ vỹ, hoang sơ như thác Trinh Nữ, thác Dray H'Linh, thác Gia Long, thác Dray Sáp, thác Liêng Nung, Đăk GLung tạo nên quần thểdu lịch hấp dẫn và thảo nguyên nhỏ trảng Ba Cây rộng trên 3 km2 phục vụ du lịch thể thao, cưỡi ngựa, sắn bắn, cắm trại.

    Về dân cư: Là nơi cư trú của 40 dân tộc gồm nhiều dân tộc thiểu số như người M’nông, Mạ, Ê đê, Tày, Nùng… với nguồn tri thức bản địa, hệ thống sử thi, văn học giân dan truyền miệng phong phú, những sự tích, huyền thoại huyền bí, mang đậm bản sắc dân tộc. Cư dân hiện nay vẫn còn giữ những nét tập quán canh tác từ xa xưa mang tính cộng đồng làng bản và những nét đặc trưng của người dân tộc thiểu số. Sự giao thoa về văn hóa giữa các dân tộc tạo nên một nền văn hóa bản địa vô cùng đặc sắc, đa sắc màu. Nền văn hóa lễ hội đa dạng với hàng trăm lễ hội trong năm, tiêu biểu như lễ xuống ruộng, lễ hội Tăm Nghét, lễ hội cúng mừng sức khỏe, lễ hội cúng lúa mới, lễ hội đua voi, lễ hội cồng chiêng....lễ uống rượu cần, lễ hội đâm trâu, lễ hội Cồng Chiêng là di sản văn hóa thế giới được Unesco công nhận. Đăk Nông cũng là mảnh đất có truyền thống cách mạnh anh dũng, hiện nay vẫn còn nhiều di tích lịch sử được ghi nhận như nhà ngục Đăk Mil, Khu căn cứ kháng chiến B4- Liên tỉnh IV, Đồn Bumera…

     Những năm gần đây, loại hình du lịch này đang dần trở thành một trào lưu, thậm chí người ta còn hy vọng nó sẽ mang lại sự phát triển bền vững cho nhiều điểm du lịch. "Công nghiệp không khói" là tên gọi không chính thức của ngành du lịch đang nắm giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu và Đăk Nông cũng nằm trong quỹ đạo đó. Là điểm đến mới với nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa khá phong phú, ngành du lịch Đăk Nông đang tạo đà phát triển và có tiềm năng, triển vọng tiến xa hơn. Tuy nhiên, du lịch sinh thái chỉ mới ở dạng tiềm năng cần được khai thác và phát huy được phân tích trên một số nội dung sau:

     Một là sự quan tâm của Đảng và nhà nước: Đảng và nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề phát triển ngành công nghiệp không khói và tạo cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư, chiến lược thu hút du khách đến với Đăk Nông. Điều này thể hiện rõ qua các chính sách du lịch sinh thái như Luật về đa dạng sinh học, Luật môi trường nước… hay chính sách tôn tạo, quản lý, xây dựng, quy hoạch các công trình lịch sử, danh lam thắng cảnh phục vụ phát triển du lịch cho tỉnh nhà. Hiện nay, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo công viên địa chất để nghiên cứu và tìm hiểu về hang động núi lửa tại huyện Krông Nô, hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á, hứa hẹn sẽ mang lại những kết quả khả quan. Theo đó, tỉnh cũng đang có những chủ trương, chính sách đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cho các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các chủ trương đầu tư có vốn nước ngoài. Điều đó góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển du lịch.

    Hai là phát triển hình thức du lịch sinh thái theo hướng trải nghiệm thực tế: Hiện nay, hình thức du lịch sinh thái đang thu hút sự quan tâm lớn của du khách và Đăk Nông với những tiềm năng vốn có về hệ sinh thái thiên nhiên đa dạng, hệ thống thác nước hùng vĩ, nền văn hóa mang đậm bản sắc sẽ là địa điểm du lịch sinh thái đầy hấp dẫn, mới mẻ đối với du khách.

    Ba là nhân lực ngành du lịch: Ngành du lịch tỉnh Đăk Nông với nguồn lao động dồi dào và cơ hội phát triển du lịch tạo điều kiện cho nguồn nhân lực có trình độ, có chất lượng nhất là thanh niên có cơ hội mở rộng sự nghiệp, thăng tiến... và giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.

    Tuy nhiên, phát triển du lịch sinh thái còn gặp không ít thách thức như sau:

    Một là phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng có nhiều tiềm năng phát triển nhưng chưa được đầu tư nghiên cứu, khai thác. Hơn nữa, sự phát triển du lịch một cách ồ ạt sẽ kéo theo các hệ lụy ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

    Hai là trình độ hiểu biết của dân cư trong tỉnh về du lịch sinh thái còn nhiều hạn chế, nhất là đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số, do đó sự đồng thuận và phối hợp trong việc tổ chức du lịch chưa cao. Hệ thống giao thông, doanh nghiệp lữ hành địa phương, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn nghèo nàn.

    Ba là quy hoạch cho du lịch nói chung và du lịch sinh thái nói riêng còn chưa đồng bộ, chưa có chính sách hiệu quả và định hướng phù hợp để phát triển du lịch sinh thái đúng trọng tâm. Việc bảo tồn và phát huy nguồn tài nguyên du lịch chưa được quan tâm đúng mực. Ngành du lịch tại địa phương còn khá non trẻ, mang tính chất tự phát, hoạt động quảng bá cho hoạt động du lịch chưa được chú trọng. Các loại hình du lịch sinh thái chưa đa dạng, chưa có tính sáng tạo.

    Du lịch sinh thái là một hình thức du lịch mới mẻ giúp cho du khách, phát triển du lịch nói chung, du lịch sinh thái nói riêng gắn với những hình ảnh và sản phẩm du lịch đã tạo nên ấn tượng là một phương thức phát triển thị trường hiệu quả và giúp người dân thấu hiểu, gắn kết với tài nguyên thiên nhiên và văn hoá bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.

 

Bài, ảnh: Phạm Đức