So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Fri07052024

Phát triển nguồn nhân lực Công nghệ thông tin tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025

Đánh giá:  / 0
DởHay 

   Ngày 16/11/2016, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 1965/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.

   Mục tiêu chung của Chương trình đến năm 2020 là phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) đảm bảo đủ số lượng, chất lượng nhân lực CNTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững; Nâng cao trình độ quản lý, áp dụng CNTT cho cán bộ lãnh đạo, quản lý trong công tác quản lý, điều hành, chuyên viên tác nghiệp trong chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quản nhà nước tỉnh. Tuyển dụng, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan Nhà nước đủ số lượng, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ được giao. Xác định công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT là khâu quyết định then chốt, nhất là đào tạo CNTT cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ phục vụ hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trong cơ quan nhà nước tỉnh; Đào tạo kỹ năng khai thác, sử dụng CNTT cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong quản trị, sản xuất, kinh doanh; Đào tạo kỹ năng cơ bản sử dụng máy tính, truy cập, khai thác thông tin trên Internet, các ứng dụng trên cổng/trang thông tin điện tử của tỉnh, dịch vụ công trực tuyến cho người dân, để khai thác có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến cung cấp cho người dân, từng bước xây dựng công dân điện tử.

   Mục tiêu cụ thể:

   Đến năm 2020, trên 90% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện, 60% cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, phường được nâng cao trình độ áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, công tác chuyên môn nghiệp vụ, về chính quyền điện tử; 100% Sở, Ban, Ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã có cán bộ lãnh đạo công nghệ thông tin (CIO - Chief Information Officer); 100% Sở, Ban, Ngành và UBND các huyện, thị xã có cán bộ chuyên trách CNTT và có trình độ CNTT từ đại học trở lên; Bố trí cán bộ chuyên trách CNTT, thực hiện về an toàn, an ninh thông tin trong toàn tỉnh; đào tạo chuyên sâu về bảo mật, an toàn, an ninh thông tin, quản trị hệ thống CNTT cho cán bộ chuyên trách CNTT ở các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã để phòng, chống và ứng cứu các sự cố về an toàn, an ninh thông tin, đối phó với các cuộc tấn công mạng; Đảm bảo 100% số giáo viên có đủ khả năng ứng dụng CNTT để hỗ trợ cho công tác giảng dạy; 100% học sinh Trung cấp chuyên nghiệp và học nghề được đào tạo các kiến thức và kỹ năng ứng dụng CNTT; 100% học sinh Trung học phổ thông, Trung học cơ sở được học tin học trong chương trình chính khóa. Khuyến khích dạy Tin học trong các Trường Tiểu học trong tỉnh; Đào tạo kỹ năng khai thác, sử dụng CNTT trên 50% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT trong quản trị, sản xuất, kinh doanh, thương mại điện tử và khai thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến; Đào tạo kỹ năng cơ bản đảm bảo trên 40% người dân  (chọn hạt nhân) sử dụng máy tính, truy cập, khai thác thông tin trên Internet, các ứng dụng trên cổng/trang thông tin điện tử của tỉnh, dịch vụ công trực tuyến cho kỹ năng khai thác thông tin cho người dân và khai thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, về chính quyền điện tử, từng bước xây dựng công dân điện tử.

   Đến năm 2025,100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện, 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp xã được nâng cao trình độ áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, công tác chuyên môn nghiệp vụ; 100% cán bộ chuyên trách CNTT tại các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập về công nghệ thông tin có trình độ CNTT từ đại học trở lên. Đồng thời, cán bộ chuyên trách CNTT các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và cán bộ kỹ thuật Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông tỉnh làm chủ được phần mềm nguồn mở để phát triển ứng dụng; 100% cán bộ lãnh đạo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức CNTT và kỹ năng quản lý để đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng CNTT mạnh mẽ tại các cơ quan, đơn vị; Đào tạo kỹ năng khai thác, sử dụng CNTT cho 100% tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để nâng cao hiệu quả  ứng dụng CNTT trong quản trị, sản xuất, kinh doanh và thương mại điện tử;

   Đào tạo kỹ năng cơ bản người dân 100% (chọn hạt nhân) sử dụng máy tính, truy cập, khai thác thông tin trên Internet, các ứng dụng trên cổng/trang thông tin điện tử của tỉnh, dịch vụ công trực tuyến cho kỹ năng khai thác thông tin cho người dân và khai thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến, về chính quyền điện tử, từng bước xây dựng công dân điện tử.

    Nhằm thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh cũng đã đưa ra các giải pháp đó là: (1) Nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho cán bộ, đảng viên, viên chức và người dân trong toàn tỉnh; (2) Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi đối với cán bộ chuyên trách về CNTT làm việc trong các cơ quan nhà nước của tỉnh; (3) Xây dựng kế hoạch trung hạn, hàng năm trong ngân sách của tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; (4) Tập trung đầu tư cho các trường, đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư cơ sở vật chất CNTT, bồi dưỡng giảng viên, giáo viên. Trang bị phương tiện đào tạo, kết nối mạng và khai thác Internet phục vụ cho nghiên cứu và đào tạo. Đẩy mạnh hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của các tỉnh, tổ chức, doanh nghiệp mạnh về CNTT để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT.

 

Tin: Phương Anh