So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư chăm sóc tốt để phát triển bền vững hồ tiêu

Đánh giá:  / 0
DởHay 

      Trong những năm gần đây, giá hồ tiêu tăng cao đã dẫn đến việc người dân ồ ạt trồng tiêu và tình trạng này đã, đang và sẽ gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến phát triển hồ tiêu bền vững. Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT về những thông tin định hướng phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững.

    PV: Thưa ông, trong những năm gần đây, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh tăng nhanh và việc này gây ảnh hưởng gì đối với phát triển hồ tiêu bền vững của tỉnh?

Ông Hồ Gấm

   Ông Hồ Gấm: Thống kê chưa đầy đủ thì hiện toàn tỉnh có trên 16.380 ha hồ tiêu, trong đó chỉ tính riêng những tháng đầu mùa mưa của năm nay diện tích trồng mới có tới trên 2.488 ha. Diện tích hồ tiêu phát triển rất “nóng” và trên thực tế thì số liệu có thể còn nhiều hơn.

    Hiện nay, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đã vượt kế hoạch. Trước đây, tỉnh Đắk Nông có kế hoạch chỉ phát triển khoảng 12.000 ha nhưng mới đây tỉnh xây dựng quy hoạch dự kiến ổn định diện tích khoảng 14.900 ha.

    Việc phát triển hồ tiêu ồ ạt như những năm qua sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Dịch vụ về cây giống ở nơi khác chở tới bán cho người dân mua về trồng rất nhiều và vấn đề này cơ quan chức năng cũng không thể kiểm soát được. Diện tích cây tiêu lấn sang các  loại cây trồng khác, thậm chí là lấn sang cả đất rừng và phá vỡ cơ cấu phát triển nông nghiệp của tỉnh.

    Qua nhiều năm kinh nghiệm trồng tiêu, người dân đã có hướng phát triển hồ tiêu theo hướng sinh thái, tức trồng cây choái sống thì bền vững hơn. Tuy nhiên, việc phát triển “nóng” như những năm gần đây thì khả năng để đảm bảo yếu tố bền vững sẽ gặp nhiều trở ngại.

    Thứ nhất là vùng phát triển diện tích quá nhiều sẽ có những phát sinh về bệnh hại, dịch bệnh và thiệt hại cho người trồng sẽ rất lớn. Thứ hai là nguồn lực đầu tư của người dân còn hạn chế. Mặc dù biết rằng, người dân rất cần cù, nhanh chóng nắm bắt các kỹ thuật nhưng với mức đầu tư vượt khả năng về kinh tế sẽ không chăm bón, phòng trừ sâu, bệnh hại được đầy đủ và có thể dẫn đến phát sinh ra bệnh hại.

    Những diện tích đất không đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật, về nguồn nước nhưng người dân vẫn cứ trồng tiêu thì chắc chắn sẽ phát sinh ra những hệ lụy khác. Mùa khô thì không đủ nước tưới, hoặc trồng trên những vùng đất bị úng, ngập thì tiêu không thể chịu đựng được những điều kiện đó. Nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của chính người nông dân và nhiều người bị thiệt hại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của toàn tỉnh.

    PV: Trước tình trạng này, Sở Nông nghiệp- PTNT đã có giải pháp nào giúp nông dân trong việc nắm bắt thông tin và định hướng phát triển hồ tiêu bền vững cả về trước mắt cũng như lâu dài, thưa ông?

    Ông Hồ Gấm: Thời gian qua, Sở Nông nghiệp – PTNT đã có định hướng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, khuyến cáo, khuyến nghị xuống các địa phương và đội ngũ cán bộ kỹ thuật nắm bắt để tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn người dân đừng phát triển quá “nóng” như vậy sẽ không bảo đảm và dẫn đến nhiều hệ lụy.

     Ngành đã kiểm tra và có những khuyến cáo, đặc biệt là về giống hồ tiêu. Người dân chỉ nên trồng những giống tiêu đã được trồng nhiều năm trên địa bàn tỉnh và có hiệu quả, ít có sâu bệnh hại như giống tiêu Vĩnh Linh, Lộc Ninh… và cẩn trọng trong khâu ươm giống, mua giống.

    Sở và các đơn vị trực thuộc cũng đã có hướng dẫn về kỹ thuật ươm giống, cách chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây tiêu cho người dân. Cây tiêu là cây lâu năm chứ không phải là cây một năm và đầu tư rất tốn kém nên Sở và các đơn vị trực thuộc cũng đã khuyến cáo nông dân có điều kiện đầu tư đến đâu thì trồng đến đó. Nếu điều kiện kinh tế, nhân lực của gia đình chỉ chăm sóc tốt 1 sào thì nên trồng 1 sào để cho chắc ăn chứ không chạy theo số lượng diện tích.

Nông dân xã Thuận Hà (Đắk Song) trồng tiêu trên trụ sống. Ảnh: Hồ Mai

    PV: Thưa ông, được biết Sở Nông nghiệp –PTNT đã xây dựng quy hoạch phát triển hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Vậy, ông có thể cung cấp những thông tin chính về quy hoạch và định hướng phát triển hồ tiêu của tỉnh để người dân biết và có hướng phát triển trong thời gian tới?

    Ông Hồ Gấm: Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp – PTNT đã lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các địa phương và xây dựng quy hoạch phát triển hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Hiện nay, việc quy hoạch đã được HĐND tỉnh thẩm định và Sở đang trình UBND tỉnh phê duyệt.

    Quy hoạch này là định hướng cho ngành nông nghiệp cũng như các địa phương bám sát để có hướng triển khai và định hướng cho người dân. Sở xác định diện tích phát triển ổn định trong thời gian tới dự kiến là 14.900 ha. Quy hoạch xác định các vùng nào trồng nào phù hợp và quy hoạch diện tích trồng chi tiết tới cấp xã, cấp huyện để trên cơ sở này, các địa phương lập kế hoạch phát triển hồ tiêu.

    Việc quy hoạch phát triển cây tiêu của tỉnh theo hướng gia tăng giá trị, phát triển bền vững cho nên rất quan tâm đến vấn đề trồng hồ tiêu gắn với phát triển công nghiệp chế biến, thị trường, liên kết và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Quy hoạch này đặc biệt đặt việc trồng tiêu theo hướng chú trọng trồng choái sống và trồng cây che bóng mát, trồng xen để đảm bảo sinh thái cho vườn tiêu phát triển bền vững.

    PV: Phát triển hồ tiêu bền vững và việc triển khai các quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn nông nghiệp tốt (VietGap) là điều rất cần thiết. Vậy, tỉnh có những lợi thế như thế nào trong việc sản xuất theo tiêu chuẩn này thưa ông?

    Ông Hồ Gấm: Từ trước năm 2005, tại các vùng trồng hồ tiêu trọng điểm của tỉnh như ở Đắk Sin, Đạo Nghĩa của huyện Đắk R’lấp, đa số các hộ dân trồng trụ chết là chính nhưng sau đó bị dịch bệnh gần như chết hết. Trước thông tin đó, người dân đã rút kinh nghiệm và hiện nay nhiều hộ dân đã chú trọng trồng trụ sống, trồng cây che bóng mát và có các mô hình trồng xen với các cây trồng khác.

    Hiện trên địa bàn tỉnh, người dân và các ngành, địa phương đang xây dựng các mô hình trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ, sinh học và thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap. Đắk Nông được đánh giá là một trong 6 tỉnh trồng hồ tiêu trọng điểm của cả nước. Một trong những ưu điểm của tỉnh ta, đó là đất trồng tiêu chưa bị ô nhiễm do quá trình sử dụng phân bón, phun thuốc… nên nếu ngay từ đầu triển khai trồng hồ tiêu theo quy trình bền vững thì rất thuận lợi, chất lượng hồ tiêu rất tốt.

Ông Bùi Văn Hạ (bên trái), xã Nâm N’Jang (Đắk Song) chú trọng áp dụng kỹ thuật chăm sóc vườn tiêt nên đạt năng suất 6 – 8kg/trụ

    PV: Ông có nhận định về thị trường giá cả hồ tiêu trong thời gian tới sẽ như thế nào?

    Ông Hồ Gấm: Tôi không phải là người nghiên cứu thị trường nhưng theo thông tin của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thì hiện nay sản lượng hồ tiêu của nước ta trong năm 2014 đã đáp ứng 55% nhu cầu thị trường thế giới. Năm nay, diện tích hồ tiêu cho thu hoạch sẽ tăng cao hơn do diện tích trồng mới trong những năm gần đây tăng nhiều.

    Dự kiến, mùa vụ tới, sản lượng hồ tiêu của nước ta có thể đáp ứng khoảng 70% thị trường thế giới và những năm sau sẽ còn tăng. Thực tế, hạt hồ tiêu chủ yếu dùng làm gia vị cho các món ăn là chính nên khó có nhu cầu thị trường tăng vọt.

    Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới cũng đang tăng về diện tích nên theo tôi, với đà tăng diện tích như thời gian qua thì chắc chắn, giá hồ tiêu sẽ giảm xuống vì sản lượng quá nhiều, không sử dụng hết. Do đó, người dân không nên phát triển diện tích hồ tiêu một cách ồ ạt mà nên chú trọng chọn vùng đất trồng phù hợp, tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật và đầu tư chăm sóc tốt để sản xuất tiêu bền vững.

    PV: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

 

Nguồn : Báo Đắk Nông