So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Hội đồng khoa học đánh giá, xét duyệt thuyết minh dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi

Đánh giá:  / 0
DởHay 

    Ngày 26/01/2016, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội đồng khoa học đánh giá, xét duyệt thuyết minh dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống Gấc lai đen, mô hình canh tác và tiêu thụ Gấc lai đen thương phẩm bền vững quy mô công nghiệp tại tỉnh Đắk Nông”. Hội đồng khoa học do ông Hồ Gấm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ tịch Hội đồng.

TS. Nguyễn Đình Thi - Đại diện cơ quan chuyển giao công nghệ thông qua thuyết minh dự án

     Dự án được thực hiện theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 13/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025" do Trường Đại học Nông lâm Huế là cơ quan chuyển giao công nghệ, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ đăng ký chủ trì, KS. Lê Xuân Quả - Giám đốc Trung tâm làm chủ nhiệm. Thời gian thực hiện là 30 tháng (từ tháng 6/2016 đến tháng 12/2018).             

     Những năm gần đây, tác dụng to lớn của cây Gấc (Momordica cochinchinensis) về mặt dinh dưỡng, dược liệu cổ truyền... được nhiều người biết đến. Từ một loại cây trồng truyền thống trong vườn nhà của nhiều gia đình người Việt để chế biến các món ăn như xôi Gấc, dầu Gấc,... cây Gấc ngày càng được nhiều công ty, tổ chức, cá nhân quan tâm phát triển sản xuất với quy mô lớn ở khắp các miền trong cả nước. Nhờ đó, cây Gấc ngày càng trở nên có vị thế đặc biệt và được xem là cây trồng có tiềm năng kinh tế cao, được nhiều địa phương quan tâm phát triển thay thế những loại cây trồng kém hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Chính vì vậy, việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ lựa chọn giống, chủ động sản xuất đủ số lượng cây Gấc giống tốt cũng như sử dụng quy trình thâm canh gấc thương phẩm quy mô công nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng tăng là hết sức cần thiết.

     Mục tiêu của dự án nhằm tiếp nhận giống Gấc lai đen năng suất và chất lượng cao, tiếp nhận công nghệ cũng như xây dựng thành công cơ sở sản xuất cây giống gấc lai đen và các mô hình sản xuất gấc lai đen thương phẩm tại 02 huyện là Cư Jút và huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, làm cơ sở cho việc phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.

     Theo đó, dự án được tiến hành triển khai với 05 nội dung chính: Điều tra bổ sung thực trạng về sản xuất, chế biến, quản lý cây Gấc của địa phương (Trong đó, dự án sẽ tiến hành: Điều tra bổ sung thực trạng về sản xuất, chế biến, quản lý cây Gấc của địa phương và Khảo sát thực địa một số xã trọng điểm trồng cây Gấc trên địa bàn tỉnh); Tiếp nhận các quy trình công nghệ được chuyển giao, xây dựng khu vực sản xuất và nhân giống Gấc đen lai trong nhà kính; Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp sản xuất cây gấc lai đen thương phẩm quy mô công nghiệp có sự tham gia của 4 nhà; Xây dựng mô hình thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm Gấc lai đen; Hội nghị, đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

Để thực hiện dự án, các giải pháp cụ thể được đề xuất bao gồm: Giải pháp về cơ sở hạ tầng; Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực; Giải pháp về nguồn vốn; Giải pháp quy trình công nghệ; Giải pháp về tổ chức và Giải pháp về thị trường tiêu thụ.

     Việc triển khai dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường rất lớn trong việcgóp phần xóa đói giảm nghèo, khai thác được lợi thế của địa phương, sử dụng các nguồn tài nguyên sẵn có một cách khoa học, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự và bảo vệ môi trường cho vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, việc đầu tư thâm canh Gấc lai đen quy mô công nghiệp theo hướng GlobalGAP còn góp phần tạo nên hệ sinh thái đồng ruộng bền vững và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, việc nhân rộng mô hình dự án còn là tiền đề để phát triển thương mại một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đang còn tiềm ẩn tại tỉnh Đắk Nông.

      Sau khi xem xét và đánh giá các mục tiêu, nội dung, phương pháp triển khai, tiến độ thực hiện và hiệu quả của dự án, Hội đồng Khoa học và Công nghệ đánh giá Hồ sơ dự án và bỏ phiếu chấm điểm thống nhất thông qua. Hội đồng cũng đề nghị cơ quan chủ trì, ban chủ nhiệm chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến đóng góp của các thành viên và hoàn thiện thuyết minh dự án để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, phê duyệt đưa dự án vào triển khai thực hiện.

Tin, ảnh: Ngô Tâm.