So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Nghiệm thu cấp tỉnh đề tài: “Nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện trên lưu vực sông Srêpốk và hệ thống thượng nguồn sông Đồng Nai đến tài nguyên nước tỉnh Đắk Nông”

Đánh giá:  / 0
DởHay 

    Ngày 13/01/2016, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội đồng khoa học đánh giá nghiệm thu cấp tỉnh đề tài “Nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện trên lưu vực sông Srêpốk và hệ thống thượng nguồn sông Đồng Nai đến tài nguyên nước tỉnh Đắk Nông. Hội đồng khoa học do ông Phạm Hữu Hào - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thônlàm Chủ tịch Hội đồng.

    Đề tài được thực hiện từ tháng 7/2014 - tháng 12/2015, do Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chủ trì, TS. Vũ Văn Nghị làm chủ nhiệm. Đến thời điểm nghiệm thu chính thức, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành đầy đủ các nội dung theo đề cương thuyết minh đã được Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt.

Toàn cảnh hội đồng nghiệm thu.

    Sau 18 tháng thực hiện, đề tài đã đánh giá chính xác diễn biến dòng chảy trên hệ thống sông suối tỉnh Đắk Nông dưới tác động của các công trình thủy điện. Kết của của đề tài là sản phẩm của việc ứng dụng mô hình tính toán (NAM, MIKE Basin), kết hợp công tác thu thập, tổng hợp tài liệu, điều tra khảo sát thực địa, sử dụng các phương pháp phân tích thống kê, bản đồ và công nghệ GIS. Đây là những cơ sở quan trọng phục vụ cho công tác quy hoạch, quản lý tốt tài nguyên nước dưới tác động của các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh.

    Trên cơ sở đánh giá, đề tài cũng đề xuất các giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm khai thác hiệu quả các công trình hồ chứa thủy điện, góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực đến tài nguyên nước, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông. Các giải pháp kỹ thuật bao gồm: Xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa hiệu quả và an toàn cho hạ du; Củng cổ cơ sở hạ tầng các công trình thủy điện theo hướng hiện đại hoá; Tính toán CBN để điều tiết lưu lượng; Thiết lập hệ thống quan trắc LKTTV và hệ thống cảnh báo hạ du công trình, di dời, nâng cấp các trạm thủy văn bị ảnh hưởng tới thủy điện. Các giải pháp quản lý được đề xuất bao gồm: Khai thác các công trình thủy điện xuất phát từ quan điểm tổng hợp, đa mục tiêu trên từng lưu vực sông; Phối hợp giữa các bên trong điều tiết, xả lũ an toàn đập vào mùa mưa; Tăng cường cơ chế, chính sách và nguồn lực phát triển công trình thủy điện; Giám sát việc thực hiện đánh giá tác động môi trường một cách đầy đủ và thiết thực; Xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích thủ điện; Tăng cường nghiên cứu và hợp tác quốc tế...

    Theo phân tích, đánh giá, hệ thống các giải pháp trên đều có điều kiện ứng dụng và phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, mỗi giải pháp thường chỉ giải quyết được một vấn đề nhất định còn tồn tại trong quản lý, khai thác các công trình thủy điện. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả giải quyết và giảm thiểu các vấn đề còn tồn tại cần áp dụng đồng thời nhiều giải pháp để hỗ trợ cho nhau.

    Với các kết quả nghiên cứu đạt được, đề tài đã được Hội đồng khoa học thống nhất nghiệm thu và đánh giá xếp loại Khá. Đồng thời, để hoàn thiện các nội dung trong báo cáo cũng như các kết quả nghiên cứu của đề tài, Hội đồng khoa học yêu cầu Ban chủ nhiệm tiếp thu, chỉnh sửa và bổ sung một cách phù hợp các ý kiến đóng góp của các thành viên tham gia Hội đồng

 

Tin, ảnh: Lê Hoàng.