So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Thu07042024

Tình hình triển khai Nghị quyết 04-nq/tu của Tỉnh ủy Đắk Nông ngày 07/4/2011 về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Đánh giá:  / 0
DởHay 

    Mục tiêu Đắk Nông đã và đang thực hiện là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa công nghệ cao.

    Tỉnh Đắk Nông có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên trục Quốc lộ 14 và Quốc lộ 28 giao thương thuận lợi với tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng là các địa phương có nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tương đối phát triển, với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ là thị trường tiêu thụ nông sản đầy triển vọng, là điều kiện tốt để vươn ra thị trường tiêu thụ rộng lớn.

    Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông còn có quỹ đất nông nghiệp tương đối lớn, điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội thuận lợi để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

    Ngày 07/4/2011, Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết 04-NQ/TU về phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) giai đoạn 2010-2015, định hướng 2020. Cuối tháng 12/2011, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện, cụ thể, dựa trên nền nông nghiệp sẵn có, tỉnh sẽ chú trọng vào khâu nâng cao năng suất, chất lượng các cây trồng chủ lực. Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, đất đai, vốn, đầu ra hàng hóa nông nghiệp cũng được vạch rõ đến các cấp, ngành, địa phương... nhằm phát triển NNCNC.

    Trước đây, trong giai đoạn 2005 - 2010, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp tại Đắk Nông tăng bình quân 7,5%. Đến năm 2012, tổng giá trị sản xuất của ngành đạt hơn 5.000 tỷ đồng, chiếm hơn 50% GDP của toàn tỉnh Đắk Nông. Trong các năm 2012, 2013 tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp tiếp tục đạt khá. Tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2011-2015 dự báo đạt 9,3% (kế hoạch 5,15%); Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt năm 2011 mới chỉ đạt 45,02 triệu đồng/ha, đến năm 2014 đã đạt 73,13 triệu đồng (tăng 42,63%), giá trị sản phẩm trên 01 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản năm 2011 đạt 59,08 triệu đồng/ha, đến năm 2014 đạt 99,64 triệu đồng/ha (tăng 68,55%), vượt xa so với mục tiêu của Nghị quyết (50 triệu đồng trên 01 ha canh tác); Lương thực có hạt bình quân đầu người đạt 722 kg/người, vượt so với mục tiêu (đến năm 2015 lương thực bình quân đầu người trên 600 kg).

     Ngoài ra, khi xét về năng suất, sản lượng ở một số loại cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp còn có bước phát triển vượt bậc. Như năng suất cà phê trước đây bình quân 1,5 tấn/ha đến năm 2014 trên địa bàn tỉnh đã có 29.071 ha cà phê bền vững (cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C, UZT, ZA,...), tái canh 3.910,8 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp và ghép cải tạo khoảng 700 ha bằng các giống có năng suất, chất lượng như: TR4, TR9... năng suất bình quân đạt 3,2 - 4 tấn/ha; Diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, năm 2011 là 8.029 ha, sản lượng 13.138 tấn, đến năm 2014 đã lên đến 13.896 ha, sản lượng 17.682 tấn, năng suất bình quân từ 21,8 tạ/ha lên 22,6 tạ/ha, nhiều mô hình năng suất đạt 8 - 9 tấn/ha; Mô hình trồng Ca cao dưới tán Điều tại huyện Krông Nô mang lại hiệu quả cao, lợi nhuận tăng 35% so với trồng Điều thuần, do đó mô hình được duy trì và phát triển rộng, đến nay đạt 574 ha; sản lượng ngô từ 248 ngàn tấn năm 2010, đến năm 2014 đã đạt trên 334 ngàn tấn, tăng 34,6 %; Sản lượng lúa trên toàn tỉnh liên tục tăng từ 61 ngàn tấn năm 2011, đến năm 2014 đạt 73 ngàn tấn, tăng 19,6% mặc dù diện tích không tăng mà có xu hướng ổn định.

    Cụ thể, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình trồng trọt mang lại hiệu quả như sản xuất Chanh dây tại các huyện Đắk R’Lấp, Tuy Đức, Đắk Song, Đắk G’long; Chanh không hạt tại Đắk R’lấp, Tuy Đức; rau an toàn và hoa cao cấp trong nhà kính, nhà lưới, tưới nước tiết kiệm tại thị xã Gia Nghĩa, Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô; Đắk Glong; khoai tây Atlantic tại Đắk Song, Tuy Đức, Đắk Mil; Khoai lang Nhật tại Tuy Đức, Đắk Song. Xây dựng mô hình trồng xen ca cao trong vườn điều tại huyện Đắk Rlấp; cây cọ dầu tại huyện Đắk Glong, cây Mắc ca tại huyện Đắk Mil, Đắk Glong, Tuy Đức, Krông Nô; cây Măng tây xanh tại huyện Tuy Đức; lúa công nghệ cao tại huyện Krông Nô; cây ăn quả (đặc biệt là nhóm cây có múi) tại thị xã Gia Nghĩa, Đắk Mil, Đắk Glong; sản xuất hoa, cây cảnh tại thị xã Gia Nghĩa, Krông Nô và huyện Đắk Mil; đầu tư sản xuất chè công nghệ cao tại Tuy Đức; phát triển ca cao, hồ tiêu bền vững và thực hiện sản xuất cà phê theo quy trình 4C UTZ Certified (cà phê bền vững, đảm bảo thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản xuất) tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

    Tỉnh Đắk Nông cũng đã quy hoạch và đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại quyết định số 1204/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban dân dân tỉnh Đắk Nông về phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND ngày 29 tháng 01 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với nhà đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để xây dựng các mô hình trình diễn, thực hiện các đề tài nghiên cứu, thu hút các nhà khoa học, doanh nghiệp đầu tư chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh. Mỗi địa phương hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng trừ dịch hại bằng các chế phẩm sinh học trên các loại cây trồng (lúa, rau, đậu đỗ, cà phê…), đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.

    Đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản đã từng bước chuyển đổi phương thức chăn nuôi, thủy sản theo hướng trang trại. Quy hoạch vùng chăn nuôi, nuôi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường và an toàn sinh học. Xã hội hóa hoạt động dịch vụ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi, thú ý, thủy sản để huy động các nguồn lực phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản. Ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng các chương trình dự án: Chương trình cải tạo hệ thống nuôi dưỡng động vật ăn cỏ giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn huyện Cư Jút, dự án cải tiến, nâng cao chất lượng giống bò thịt tỉnh Đắk Nông, dự án đầu tư xây dựng Trung tâm giống thủy sản tại huyện Đắk Mil. Một số trang trại chăn nuôi, thủy sản điển hình như: Trại heo của hợp tác xã Đồng Tiến, xã Đắk Sin, huyện Đắk R'Lấp với quy mô 600 con heo nái sinh sản; trại gà của công ty TNHH Phúc thành thị trấn Ea Tling huyện Cư Jút với quy mô 19000 con trong đó 2000 con gà đẻ và 17000 con gà hậu bị; trang trại Thu Thủy tại thôn 10, xã Nâm NJang, huyện Đắk Song với mô hình nuôi cá chình trong ao đất quy mô 1.000 con thương phẩm.... đều mang lại thu nhập đáng kể. Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành một số mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như: Mô hình nuôi nhốt động vật hoang dã với 19 hộ gia đình tham gia tại huyện Cư Jút; mô hình nuôi Gà sao, nuôi lươn thương phẩm, nuôi Vịt bầu cánh trắng cho các Bon đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đắk R'Lấp; mô hình nuôi ngan pháp, nuôi gà J-Dabaco tại huyện Đắk G'Long; mô hình nuôi Gà thịt thả vườn tại 02 huyện Đắk G'Long và Tuy Đức; mô hình nuôi cá nước lạnh trên lòng hồ Đắk R'Tih; mô hình nuôi cá lăng đuôi đỏ bằng lồng tại sông sêrêPôk (huyện Cư Jút) và hồ thủy điện Đồng Nai 3 (huyện Đắk G’long); mô hình nuôi Cá lăng trong bể xi - măng tại huyện Cư Jút; mô hình nuôi cá lồng trên hồ chứa tại lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 (huyện Đắk G'long)....

    Đối với lĩnh vực lâm nghiệp: Việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn gen đều được tuân thủ theo đúng các quy định tại Pháp lệnh Giống cây trồng số 15/2004/PL-UBTVQH11 và Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29/12/2005 về việc ban hành Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Ngành nông nghiệp đã tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như chất lượng của giống cây trồng lâm nghiệp, giám sát chất lượng giống theo chuỗi hành trình giống cây trồng lâm nghiệp chính.

     Về lĩnh vực đầu tư, phát triển thị trường: Từ năm 2011 đến nay tỉnh đã thu hút được gần 20 nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 08 dự án đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương với tổng số vốn 456,3 tỷ đồng. Các dự án này tập trung vào lĩnh vực trồng cây dược liệu, sản xuất giống cây trồng, sản xuất rau sạch trong nhà lưới, nhà kính, trồng cây siêu cao lương. Bên cạnh đó Trung tâm Xúc tiến đầu tư của tỉnh đã hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho gần 50 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Riêng từ đầu năm 2014 đến nay, thông qua hội nghị Kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao đợt I năm 2014, đã thu hút 03 doanh nghiệp lớn đến từ Lâm Đồng và TP. Hồ Chí Minh ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp và hộ nông dân của tỉnh Đắk Nông. Ngoài ra các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng ký kết hợp tác với các hộ nông dân tỉnh nhà. Các lĩnh vực ký kết gồm tiêu thụ, phân phối nông sản, hỗ trợ cung cấp giống mới, tư vấn kỹ thuật, dự kiến bao tiêu sản phẩm, làm vườn ươm cung cấp giống chất lượng cao tại tỉnh. Ngoài ra tỉnh cũng đã tổ chức và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ, triễn lãm trong nước và ngoài nước...

    Nông nghiệp công nghệ cao là phương thức sản xuất có nhiều tri thức và công nghệ hơn so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi tất yếu để có một nền nông nghiệp hiện đại, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. NNCNC góp phần nâng cao hiệu quả, tính cạnh tranh, giá trị gia tăng của nền nông nghiệp và là giải pháp để tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết là việc ứng dụng đồng bộ công nghệ cao trong nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn ít, chưa tập trung, quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chưa theo định hướng và chủ yếu là công nghệ sinh học truyền thống, việc tiếp cận với công nghệ cao hiện đại còn hạn chế, công nghệ còn đơn lẻ, thiếu đồng bộ, không chuyên sâu. Tổ chức sản xuất thay đổi chậm, chưa hành thành được nhiều tổ chức hợp tác, Hợp tác xã,...liên kết sản xuất ngành hàng bền chặt, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tự phát dẫn đến khó ứng dụng công nghệ cao, cơ khí hóa trong sản xuất, chi phí sản xuất tăng cao, chất lượng sản phẩm thấp, ít khả năng cạnh tranh. Mức đầu tư của các mô hình ứng dụng công nghệ cao lớn hơn nhiều so với các mô hình thông thường, trong khi mức hỗ trợ từ nguồn kinh phí Nhà nước hạn chế và phần lớn người sản xuất thiếu vốn đầu tư. Đặc biệt, việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch chưa gắn kết với sản xuất, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, nhiều sản phẩm nông nghiệp sản xuất nhiều thì thừa, không tiêu thụ được. Doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển nông nghiệp trên địa bàn tạo hạt nhân lan tỏa việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn ít. Ngoài ra, việc triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cần lực lượng cán bộ kỹ thuật có trình độ phù hợp, nhưng chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp tham gia vào việc xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh ta hiện nay còn thấp, nên hiệu quả công tác triển khai còn hạn chế.

 

TH: Bùi Oanh