So Khoa hoc & Cong nghe Dak Nong

Fri04262024

Hệ thống thủy lợi Đắk Mil, hiện trạng và giải pháp

Đánh giá:  / 0
DởHay 

    Huyện Đắk Mil nằm ở phía Bắc tỉnh Đắk Nông, có chung biên giới với Cam Pu Chia, chiều dài đường biên giới 40 km. Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện 682,99 km2, chiếm 10,48% diện tích tỉnh Đắk Nông, độ cao trung bình phổ biến từ 400 ÷ 800 m so với mặt nước biển.

    Điều kiện địa hình, địa chất, thổ nhưỡng huyện Đắk Mil rất thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, bao gồm: Cây công nghiệp lâu năm, cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày. Để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cần khảo sát, nghiên cứu xây dựng các công trình thủy lợi để cấp nước phục vụ sản xuất cây lương thực và cây công nghiệp hàng hoá như cây cà phê, hồ tiêu...

    1. Hiện trạng thủy lợi.

    Căn cứ vào đất đai, địa hình thủy thế và ranh giới hành chính các xã trong huyện Đắk Mil qua nghiên cứu khảo sát thực tế chúng ta có thể phân vùng nghiên cứu thành 2 vùng sử dụng nước là vùng phía Đông Quốc lộ 14 và vùng phía Tây Quốc lộ 14

    Vùng phía Đông quốc lộ 14

    Bao gồm các xã nằm về phía Đông của huyện Đắk Mil trong vùng có các suối như suối Đắk Gour, suối Đắk Direng, suối Đắk R’To, suối Đắk Sôrr..địa giới hành chính vùng bao gồm: một phần Thị trấn Đắk Mil, một phần xã Thuận An, xã Đức Minh, một phần xã Đức Mạnh, một phần xã Đắk R’la, một phần xã Đắk Gằn, xã Đắk Sắk, xã Long Sơn tổng diện tích tự nhiên 212 km2, dân số trong vùng 56.302 người.

    Hiện nay, trong vùng đã xây dựng được 23 công trình hồ chứa và đập dâng. Tổng diện tích tưới thiết kế: 3.771 ha trong đó lúa là 595 ha và cà phê là 3.176 ha, diện tích tưới thực tế là: 3.250 ha trong đó lúa 780 ha và cà phê 2.470 ha, đảm bảo trên 86,2% năng lực tưới thiết kế.

    Vùng phía Tây quốc lộ 14.

· Bao gồm các xã có vị trí nằm về phía Tây của huyện và nơi đây có các suối lớn chảy qua như suối Đắk Ken, Đắk Peurr, Đắk R’Moan, Đắk Lau, Đắk M’Bai..địa giới hành chính gồm: một phần xã Đắk Mil, một phần xã Thuận An, xã Đắk Lao, một phần xã Đức Mạnh, xã Đắk N’Drot, một phần xã Đắk R’la, một phần xã Đắk Gằn. Tổng diện tích tự nhiên 470,7km2, dân số trong vùng là 40.967 người

    Hiện vùng đã xây dựng được 19 công trình hồ chứa, tổng diện tích tưới thiết kế: 2.264 ha trong đó lúa 45 ha và 2.219 ha cà phê, diện tích tưới thực tế là 2.138 ha trong đó lúa 16 ha và 2.122 ha cà phê (đạt 94,5% diện tích thiết kế)

    Công trình tưới: Hiện trạng số lượng công trình và khả năng phục vụ tưới

    Hiện trạng công trình đầu mối

Tính đến nay trên địa bàn huyện Đắk Mil có 42 công trình (hồ chứa 30 và đập dâng 12) hồ chứa và đập dâng. Trong đó Công ty  Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên (MTV) khai thác công trình thủy lợi (CTTL) quản lý 30 công trình; Nông, lâm trường: 6 công trình và UBND xã: 06 công trình với tổng diện tích thiết kế là 6.034 ha (lúa: 640 ha, cà phê: 5.394 ha). Tổng hợp số liệu diện tích thực tưới các công trình thủy lợi từ: Công ty TTHH MTV khai thác CTTL quản, nông, lâm trường và UBND xã thì diện tích thực tưới là 5.388 ha (lúa: 796 ha lúa, cà phê: 4.592 ha) đáp ứng 89,3% năng lực thiết kế.

    Tổng diện tích cần tưới hiện nay trên địa bàn huyện Đắk Mil là 37.100 ha trong đó lúa Đông xuân 647 ha, màu 14.407 ha và cà phê, tiêu là 22.046 ha. Như vậy các công trình hiện trạng đáp ứng tưới đảm bảo với tổng diện tích đất cần tưới khoảng 14,5%. Tuy nhiên diện tích thực tưới theo chúng tôi sẽ lớn hơn vì một số hộ dân canh tác cạnh hồ thủy lợi tự bơm tưới mà không khai báo diện tích (không có hợp đồng tưới). Cụ thể như Hồ Tây hiện nay thực tưới khoảng 1.680 ha tuy nhiên theo hợp đồng tưới chỉ khoảng 243 ha. Phần diện tích tưới còn lại được tưới từ các hệ thống như trên suối, ao hồ và khai thác nước ngầm

    Hệ thống kênh mương

    Theo số liệu tổng hợp từ phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đắk Mil đến nay trên địa bàn huyện Đắk Mil có khoảng 117,6 km kênh bao gồm 6,15 km kênh cấp 1, 29,9 km kênh cấp 2, còn lại là 81,4 km kênh mương nội đồng. Hệ thống kênh mương do 2 đơn vị quản lý là Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL và UBND huyện trong đó Công ty TNHH MTV Khai thác CTTL quản lý hệ thống kênh chính, UBND huyện quản lý kênh mương nội đồng.

    Hệ thống kênh toàn huyện đã kiên cố hóa được 19,8 km, các kênh mương được kiên cố hóa là một số kênh cấp 1 và kênh cấp 2, các kênh mương chưa được kiên cố hóa đa phần là các kênh mương nội đồng. Chiều dài kênh chính được kiên cố hóa là 3,65 km chiếm 59,3% tổng chiều dài kênh chính trong huyện, chiều dài kênh cấp 2 được kiên cố hóa là 16,2 km chiếm 54% tổng chiều dài kênh cấp 2 trong huyện.

    Thực trạng các công trình tưới

    Công tác quản lý và khai thác được Địa phương và Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi thực hiện khá tốt nhưng do một vài yếu tố như thiên tai, chất lượng thi công chưa được tốt và hơn nữa một số công trình được xây dựng và đưa vào sử dụng trong thời gian dài mà chưa được nâng cấp sửa chữa nên các công trình này hiện tại bị xuống cấp và hỏng hóc. Mặt khác do không có kinh phí chăm sóc, bảo vệ nên một tình trạng phổ biến là hầu hết các công trình gần như hoang hóa. Bên cạnh đó là tình trạng “sử dụng” công trình không theo quy trình của người dân. Theo số liệu của Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đắk Nông và qua quá trình làm việc tại UBND huyện, các xã cho thấy cho biết, hiện có 28/42 công trình cần nâng cấp, sửa chữa. Tình trạng phổ biến của các công trình là thân đập thấm, rò rỉ, có nơi rò rỉ thành dòng; mặt đập sạt lở, xói sâu; bê tông mái xuống cấp hoặc sạt lở…; Bên cạnh đó là tình trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình; trên hồ, đập xuất hiện rất nhiều ổ mối không chỉ đe dọa đến công trình mà tính mạng và tài sản người dân cũng bị đe dọa nghiêm trọng.

    2. Tình trạng thiên tai

 * Tình hình hạn hán

    Thiệt hại đáng kể do hạn hán trên địa bàn huyện một số năm điển hình vụ Đông Xuân năm 2003 toàn huyện có tổng diện tích lúa bị hạn là 131 ha trong đó giảm năng suất sản lượng là 82 ha, diện tích mất trắng là 49 ha. Diện tích cà phê bị hạn năm 2003 là 2.690 trong đó diện tích có thể phục hồi là 2.599 ha, diện tích không thể phục hồi là 91 ha. Năm 2004 lúa Đông Xuân bị hạn là 163 ha trong đó giảm năng suất là 67 ha, diện tích mất trắng là 96 ha. Diện tích cà phê bị hạn năm 2004 là 6.209 ha trong đó có thể phục hồi là 3.968 ha, 2.241 ha cà phê không thể phục hồi.

    Vào đầu năm 2013, tình hình thời tiết có nắng nóng, khô hạn đặc biệt là vào thời điểm sau tết Nguyên đán đã làm mực nước của các hồ, đập thủy lợi giảm rất nhanh gây ra tình trạng hạn hán, làm ảnh hưởng đặc biệt đối với cây cà phê. Tình hình hạn hán diễn ra đặc biệt ở một số khu vực của các xã thuộc phía Bắc của huyện (xã Đắk Gằn, xã Đắk R’la, xã Đắk N’Drot, xã Đức Mạnh, xã Đắk Lao, xã Thuận An) diện tích cà phê khó khăn về nguồn nước tưới đợt 3 là 5.320 ha, trong đó diện tích bị hạn nặng khoảng 1.740 ha bao gồm các khu vực xa nguồn nước thuộc xã Đắk Gằn, khu vực Bò Vàng, Đắk Ken giáp với biên giới thuộc xã Đắk Lao, một số khu vực xa nguồn nước xã Thuận An, xã Đức Mạnh.

    * Tình hình ngập úng lũ lụt

    Qua quá trình khảo sát thực địa tại địa phương cho thấy toàn huyện có 02 điểm ngập úng cục bộ sau:

    + Xã Đắk Sắk: ngập úng do lượng nước xả từ hồ E29 về có lúc ngập từ 2-3 ngày (không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp)

    + Xã Đức Minh: Năm 2012 đã đầu tư nạo vét trục tiêu. Hiện nay, đáp ứng khả năng tiêu thoát.

    Nhìn chung về tình hình ngập úng, lũ lụt trên địa bàn huyện Đắk Mil không đáng quan ngại.

    3. Công tác quản lý nước và công trình thuỷ lợi

    Từ ngày các công trình trên địa bàn huyện chuyển giao  cho Công ty TNHH 1 thành viên Khai thác công trình thủy lợi, các công trình đã phát huy hiệu quả hơn, hạn chế tình trạng tranh chấp nguồn nước. Công ty bố trí các cán bộ kỹ thuật đi kiểm tra thường xuyên các công trình trên địa bàn để có có phương án sửa chữa đảm bảo diện tích tưới của công trình.

    4. Trọng tâm cần giải quyết

    Hiện nay, do sự phát triển kinh tế - xã hội, nước ngầm đang được khai thác sử dụng cho các mục đích: ăn uống, sinh hoạt, công nghiệp, chế biến và tưới cây công nghiệp chủ yếu là cà phê. Hình thức khai thác đa dạng và phong phú, phụ thuộc vào điều kiện của từng vùng và khả năng đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay do sự phát triển của cây cà phê một cách quá mức do đó nhu cầu khai thác nước ngầm để tưới phát triển rất mạnh. Những hộ khai thác tự do khoan giếng không có sự hỗ trợ về chuyên môn, cũng như không được chính quyền địa phương quản lý (cấp phép), phát triển theo kiểu mạnh ai người đó làm nên có rất nhiều vấn đề bất cập trong quản lý và đánh giá tiềm năng của tài nguyên này. Mặt khác do đặc điểm cấu tạo kiến tạo một số vùng bazan hình thành 2 -3 tầng chứa nước, có một số giếng khoan sâu không đúng kỹ thuật đã gây ra hiện tượng mất nước từ tầng trên xuống tầng dưới. Cộng với một số yếu tố như phá rừng, xây dựng hồ đập và khai thác nước mặt một cách quá mức đã làm cho mực nước ngầm ngày càng tụt sâu. Nhiều nơi mực nước ngầm đã tụt sâu 10 - 20 m. Hiện tượng đó đã làm cho việc khai thác nước ngầm ngày càng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra do khai thác không đúng cách, không được quản lý sẽ làm cho chất lượng nước ngầm ngày càng xấu đi. Vì lý do đó, chúng ta cần sớm đưa công tác quản lý, quy hoạch sử dụng nước ngầm vào nề nếp để có thể khai thác và bảo về tài nguyên qúy giá nay. Cụ thể là, cần phải có nghiên cứu chi tiết cụ thể hơn về nước dưới đất như xây dựng mạng lưới quan trắc lâu dài động thái nước dưới đất ở vùng được đánh giá có trữ lượng nước ngầm khá. Thứ hai cần có nghiên cứu cụ thể về sự liên quan giữa nước mặt và nước ngầm trong tỉnh và nên dùng nước ngầm ưu tiên cho sinh hoạt và tưới cho cây công nghiệp như thế nào để đảm bảo khai thác tài nguyên và môi trường một cách bền vững.

    Các công trình hiện trạng đáp ứng tưới đảm bảo, ổn định theo tần suất so với tổng diện tích đất cần tưới khoảng 13,4%, riêng diện tích đất lúa đáp ứng 78%. Số diện tích còn lại chủ yếu được người dân bơm tưới từ sông, suối nhỏ, đào ao, giếng khoan, giếng đào (chủ yếu là tưới cho cây cà phê). Ngoài ra, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện hầu hết là công trình nhỏ đã được xây dựng từ lâu, chủ yếu là đập đất, nhiều công trình không có tràn xả lũ. Mặt khác, hệ thống kênh mương hầu hết là kênh đất, khả năng chuyển nước kém, tổn thất lớn... Do đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của huyện Đắk Mil giai đoạn hiện tại và định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, ngoài việc đầu tư nâng cấp các công trình hiện có cần có kế hoạch xây dựng thêm nhiều hồ chứa khác.

 

Nguyễn Mai